SEA Games 31: Chấn thương mắt trong thi đấu thể thao và cách phòng ngừa

BSCKII Trần Ánh Dương

BSCKII Trần Ánh Dương

13-05-2022 16:59 | Y học 360

SKĐS - Chấn thương thể thao nói chung và chấn thương mắt nói riêng là điều không thể tránh khỏi trong thi đấu đặc biệt là các trận thi đấu đỉnh cao. Các môn thể thao thường gây chấn thương mắt nhất, theo thứ tự tần suất giảm dần, là bóng rổ, thể thao dưới nước, bóng chày và các môn thể thao dùng vợt....

Chấn thương mắt là một trong những chấn thương mà các vận động viên chuyên nghiệp có thể gặp  trong các kỳ đại hội thể thao của khu vực cũng như trên thế giới. Nhân dịp SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam, báo Sức khoẻ&Đời sống xin giới thiệu bài viết của bác sĩ chuyên khoa Mắt về những loại chấn thương mắt có thể gặp trong thi đấu thể thao.

Thể thao được xếp vào nhóm rủi ro thấp, cao và rủi ro rất cao. Các chấn thương mắt liên quan đến thể thao là chấn thương đụng giập, vết thương xuyên thấu và tổn thương do tia bức xạ mặt trời. Hơn 90% các chấn thương mắt trong thể thao có thể dự phòng được bằng các thiết bị bảo vệ mắt.

Các môn thể thao có thể gây chấn thương mắt ở mức độ rủi ro thấp như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ và đi xe đạp. Các môn thể thao có mức độ rủi ro cao như: bóng chày, khúc côn cầu, bóng đá, bóng rổ, bóng ném, các môn thể thao dùng vợt, quần vợt, đấu kiếm, golf và bóng nước. Môn thể thao có mức độ rủi ro rất cao cho mắt như quyền anh, đấu vật và võ thuật tiếp xúc. Đây đều là những môn mà thường vận động viên hay người tập đều không có kính để bảo vệ mắt.
SEA Games 31: Chấn thương mắt trong thi đấu thể thao và cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Vận động viên đua xe đạp phải trang bị kính bảo hộ để phòng chấn thương mắt.

Các loại chấn thương mắt trong thể thao

Chấn thương mắt được chia ra ba loại chính: chấn thương đụng giập hốc mắt- nhãn cầu, vết thương xuyên thủng hốc mắt- nhãn cầu và tổn thương mắt do tia bức xạ mặt trời trong đó chủ yếu là tia cực tím.

Chấn thương đụng giập chiếm hầu hết các chấn thương mắt liên quan đến thể thao. Mức độ tổn thương mắt phụ thuộc vào kích thước, độ cứng và vận tốc của vật gây chấn thương và lực truyền trực tiếp vào mắt. 

Một cú đánh trực tiếp vào nhãn cầu từ một vật thể tù nhỏ hơn mắt gây ra sự nén và giãn ra nhanh chóng của phần trước nhãn cầu, truyền một lực lớn đến các cấu trúc bên trong mắt gây các tổn thương như: xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, lệch thủy tinh thể, xuất huyết dịch kính, rách võng mạc, bong võng mạc… Những chấn thương mắt này thường gặp trong các môn cầu lông, bóng bàn… 

Một vật thể đầu tù lớn hơn nhãn cầu sẽ tác dụng lực lên phần mềm và thành xương hốc mắt có thể dẫn đến vỡ sàn hốc mắt, vỡ xương thành hốc mắt, tụ máu hốc mắt. Nếu chấn thương với lực mạnh lan đến có thể vỡ nền sọ gây tụ máu hai hốc mắt và chảy dịch não tủy qua đường mũi. Những chấn thương mắt này thường gặp trong các môn tennis, golf, bóng đá, bóng ném, khúc côn cầu, bóng chày…

Vết thương do xuyên thủng hốc mắt- nhãn cầu tương đối hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ngay cả với vật có vận tốc lớn dẫn đến gãy kính đeo cũng có thể gây ra chấn thương xuyên thủng. Các thương tích như vậy có thể từ trầy xước nhẹ đến rách nghiêm trọng như rách giác mạc, rách kết mạc, vỡ thủy tinh thể, vỡ nhãn cầu, rách mi mắt..  Ngoài ra, trong các môn đấu vật, võ thuật... vết thương xuyên thủng nhãn cầu có thể đến từ móng tay của đối thủ.

Tổn thương do bức xạ xảy ra do vận động viên hay người tập tiếp xúc với tia cực tím trong môn trượt tuyết, trượt nước và các môn thể thao dưới nước khác.

Xử trí khi bị chấn thương mắt trong thi đấu thể thao

Khi xảy ra chấn thương mắt trong tập thể thao, cách tốt nhất cho các vận động viên là phải được các bác sĩ nhãn khoa chăm sóc ngay tại chỗ hoặc vận chuyển đến bệnh viện khi có các tổn thương nặng xảy ra. 

Các vận động viên hoặc huấn luyện viên không được tự ý xử trí can thiệp bởi nguy cơ tổn thương mắt sẽ nặng hơn, nhất là trong các trường hợp vết thương xuyên thủng nhãn cầu.

Lúc nào thì vận động viên có thể quay lại thi đấu sau chấn thương mắt?

Vận động viên cần tuân thủ một số hướng dẫn để trở lại thi đấu sau khi bị chấn thương: 

  • Ở những vận động viên có chấn thương mắt đáng kể, cần được bác sĩ nhãn khoa khám và kiểm tra đầy đủ. Mắt bị chấn thương sẽ cảm thấy thoải mái và có thị lực trở lại. 
  • Phải đeo kính bảo vệ mắt. 

Trong trận đấu, việc trở lại thi đấu ngay lập tức tùy thuộc vào các triệu chứng của vận động viên và tính chất của chấn thương do bác sĩ thể thao xác định. Các vận động viên không bao giờ được phép sử dụng thuốc gây tê tại chỗ để kéo dài thời gian thi đấu vì tổn thương mắt có thể trầm trọng hơn.

SEA Games 31: Chấn thương mắt trong thi đấu thể thao và cách phòng ngừa - Ảnh 4.

Mang kính bảo vệ mắt trong thi đấu hoặc tập thể thao rất cần thiết

Cách phòng ngừa chấn thương mắt

Để hạn chế tối đa các chấn thương về mắt trong thi đấu tất cả các vận động viên đều phải khám mắt toàn diện. 

Với mỗi vận động viên, các bác sĩ nên tìm hiểu tiền sử mắt, đặc biệt chú ý đến các tình trạng trước đó như cận thị mức độ cao, áp-xe do phẫu thuật, bong võng mạc, phẫu thuật mắt và chấn thương hoặc nhiễm trùng. 

Vận động viên khi có bất kỳ tình trạng nào trong số này có thể tăng nguy cơ bị chấn thương mắt nghiêm trọng trong quá trình thi đấu. Do vậy, các bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn cho các vận động viên có tiền sử các bệnh về mắt như trên trước khi tham gia thi đấu.

Theo các nghiên cứu, bảo vệ mắt đã làm giảm hơn 90% số lượng và mức độ nghiêm trọng của chấn thương mắt. Thiết bị bảo vệ có chức năng tiêu tán lực có hại tiềm ẩn lan truyền ra khu vực rộng lớn hơn. 

Dụng cụ bảo vệ mắt cần chuyển tác động từ mắt và mặt sang hộp sọ mà không gây chấn thương nội sọ. Có thể cần tích hợp mũ bảo hiểm với kính bảo vệ mắt và mặt.

SEA Games 31: Chấn thương mắt trong thi đấu thể thao và cách phòng ngừa - Ảnh 5.

Ở mỗi môn thể thao khác nhau, các vận động viên và người chơi thể thao cần có trang phục và thiết bị bảo vệ phù hợp để bảo vệ an toàn cho cơ thể và đôi mắt.

 Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Hoa Kỳ (ASTM) đã thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất cho các loại kính đeo mắt được lựa chọn trong các môn thể thao như quần vợt, bóng chày, bóng rổ, bóng chuyền nữ, khúc côn cầu và trượt tuyết trên núi cao... 

Kính bảo hộ thường được làm bằng polycarbonate, một loại nhựa chịu va đập cao có khả năng hấp thụ tia cực tím. Vì loại nhựa này cứng hơn gấp 8 lần so với các vật liệu khác, nên nó được ưu tiên sử dụng trong các loại kính bảo vệ. 

Kính áp tròng và kính đeo mắt thông thường không bảo vệ được đầy đủ mắt trước các chấn thương. Kính mắt thông thường chỉ có 4 đến 5% khả năng chống va đập so với polycarbonate có độ dày tương đương. 

SEA Games 31: Cả VĐV và người tập đều có thể gặp chấn thương thể thao, cần biết cách phòng tránh khi vận động SEA Games 31: Cả VĐV và người tập đều có thể gặp chấn thương thể thao, cần biết cách phòng tránh khi vận động

SKĐS - Dù chưa đến ngày khai mạc SEA Games, nhưng các trận thi đấu thể thao ở nhiều môn đã bắt đầu diễn ra. Chấn thương thể thao là điều không ai muốn, kể cả vận động viên chuyên nghiệp hay những người tập thể thao bình thường.

BSCKII Trần Ánh Dương
Trưởng khoa Mắt- BV Việt Nam Cuba Đồng Hới
Ý kiến của bạn