Hà Nội

SEA Games 31: Cả VĐV và người tập đều có thể gặp chấn thương thể thao, cần biết cách phòng tránh khi vận động

09-05-2022 07:00 | Y tế
google news

SKĐS - Dù chưa đến ngày khai mạc SEA Games, nhưng các trận thi đấu thể thao ở nhiều môn đã bắt đầu diễn ra. Chấn thương thể thao là điều không ai muốn, kể cả vận động viên chuyên nghiệp hay những người tập thể thao bình thường.

Trước thềm SEA Games 31, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Ths. BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, BV Việt Đức về chấn thương thể thao.

Phóng viên: Thưa BS, trong thi đấu thể thao đặc biệt là thể thao thành tích cao, chấn thương có thường xuyên xảy ra không? Tại BV Việt Đức, số ca chấn thương thể thao nhập viện điều trị thế nào so với các chấn thương do tai nạn, sinh hoạt?

Ths. BS Phan Bá Hải: Không chỉ riêng các vận động viên thể thao thành tích cao mà hiện nay nhu cầu tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe tăng lên nhiều. Tuy nhiên nếu người tập không trang bị các kiến thức cần thiết để bảo vệ cho bản thân mình thì có nguy cơ gặp các chấn thương từ nhẹ đến nặng khi tập thể thao. Khi bị chấn thương thể thao thường ám chỉ đến chấn thương của các khớp bởi đây là bộ phận chịu áp lực và vận động nhiều nhất trong khi chơi thể thao.

Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể về số các trường hợp chấn thương thể thao tới BV, nhưng nói chung, hiện nay, tỷ lệ người tập thể thao gặp chấn thương tăng hơn rất nhiều so với trước kia. Ví dụ như riêng chấn thương vùng cổ tay,  nhiều năm trước mỗi ngày chỉ có 1 đến 2 trường hợp, nhưng nay có ngày chúng tôi đón tiếp đến 20 bệnh nhân.

Trước đây BV Việt Đức đã từng chữa trị cho nhiều vận động viên chuyên nghiệp của Thể thao Việt Nam, thường gặp  nhất là các chấn thương khớp gối (đứt dây chằng chéo), trật khớp vai, tổn thương gân cơ chỏm xoay khớp vai, đứt dây chằng ngoài cổ chân, hoặc chấn thương ở cổ tay….  

SEA Games 31: Cả VĐV và người tập đều có thể gặp chấn thương thể thao, cần biết cách phòng tránh khi vận động  - Ảnh 1.

Ths. BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, BV Việt Đức đang kiểm tra một ca chấn thương thể thao

Phóng viên: Đó là những chấn thương  như thế nào, và môn thể thao nào vận động viên có nguy cơ gặp chấn thương hơn, thưa BS?

Ths. BS Phan Bá Hải: Chúng tôi thường gặp bệnh nhân bị chấn thương khớp vai khi chơi cầu lông, bóng bàn, tennis. Chỉ cần sai động tác, sai tư thế, người tập có thể bị trật khớp vai, tổn thương gân cơ ở vùng khớp vai.

Trong môn tennis, nếu người tập  khởi động không kỹ, đánh sai động tác có thể gặp chấn thương cả ở vùng khuỷu chân hay cổ tay. Chấn thương khớp gối thường xuất hiện ở các môn đá bóng, bóng chuyền hoặc các môn có tính chất đối kháng như võ.

Tôi đã gặp nhiều trường hợp bị chấn thương trong khi tập hoặc tiếp đất sai tư thế khiến cho vận động viên đứt dây chằng hoặc rách sụn khớp gối. Các chấn thương ở cổ chân cũng rất thường gặp ở nhiều môn khác nhau bởi đây là bộ phận gánh sức nặng của cả cơ thể. Đó là các chấn thương như lật cổ chân, bong gân vùng cổ chân… Ngoài ra chấn thương khớp háng, bàn chân, ngón chân, ngón tay…  ít gặp hơn.

Phóng viên: Việc điều trị cho vận động viên gặp chấn thương thể thao nói riêng và người chơi thể thao nói chung có gặp khó khăn gì không, thưa bác sĩ?

Ths. BS Phan Bá Hải: Tất cả các chấn thương thể thao ở các vận động viên chuyên nghiệp hầu hết đều được xử trí đúng cách, bài bản bởi vận động viên và những bác sĩ thể thao - những người đã được trang bị những kiến thức, công cụ sơ cứu chuẩn, cũng như các biện pháp phòng hộ chấn thương đúng đắn nên việc điều trị đều không gặp khó khăn gì.

Khó khăn nhất thường gặp ở người tập thể thao bình thường. Bệnh nhân khi bị chấn thương thể thao không đến ngay cơ sở y tế hay không biết cách sơ cứu ban đầu, thậm chí dùng các biện pháp không phù hợp như thuốc, bó lá không rõ nguồn gốc dẫn đến hậu quả là làm chấn thương thêm trầm trọng. Bó lá thuốc chữa bệnh không chỉ gặp ở những người dân sống ở vùng núi cao,  mà ngay tại thủ đô Hà Nội, đã có những người khi bị chấn thương lựa chọn phương pháp bó lá chữa bệnh.

Trước đây, đã có trường hợp bị chấn thương mắt cá chân nhưng bệnh nhân  không đến bệnh viện ngay mà họ chọn cách bó lá. Chỉ sau 1-2 tuần, người bệnh bị kích ứng với nguyên vật liệu dùng để bó,  làm da bị loét hoại tử, lộ gân lộ xương. Việc xử trí sau đó rất mất thời gian, bệnh nhân phải điều trị hàng tháng.

SEA Games 31: Cả VĐV và người tập đều có thể gặp chấn thương thể thao, cần biết cách phòng tránh khi vận động  - Ảnh 3.

Chấn thương thể thao rất thường gặp trong tất cả các môn thể thao.

Phóng viên:  Làm cách nào để phòng tránh chấn thương thể thao, BS có lời khuyên nào với những người chơi thể thao?

Ths. BS Phan Bá Hải: Tốt nhất là trước khi tập các môn thể thao, người dân cần tìm hiểu kỹ và trang bị cho mình kiến thức về môn thể thao đó để người tập có kỹ năng phòng tránh chấn thương. Ví dụ như đá bóng hay tennis đều có kiểu chấn thương đặc trưng riêng, nên người bệnh cần phải biết để trước hết bảo vệ mình sau có thể sơ cứu đúng cách cho người cùng chơi.

Điều quan trọng nhất để phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao là người tập cần khởi động thật kỹ trước khi tập, đặc biệt là các khớp vận động nhiều hay chịu tác động lực.  Thứ hai là cần có đồ bảo hộ phù hợp với môn thể thao đó, như các môn đua xe đạp cần phải có áo bảo hộ, mũ; môn đá bóng cần có giày đá bóng, sân tập đảm bảo an toàn; môn boxing cần có găng tay, mũ và miếng ngậm bảo vệ răng…. Thứ ba là người tập cần lắng nghe cơ thể, với mỗi người tập thể thao có môn ưa thích khác nhau nhưng nên lưu ý tập môn phải phù hợp với thể trạng, sức khỏe, lứa tuổi. Một người  65 tuổi không nên tập thể thao với cường độ của một người 25-30 tuổi được. Thời lượng tập thể thao cũng nên phù hợp lứa tuổi, nếu cảm thấy mệt, hãy tập từng chút một, không nên gắng sức quá sẽ dễ gặp chấn thương.

Phóng viên:  Xin cảm ơn BS!

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vận động viên thể thao có kiêng quan hệ tình dục trước khi thi đấu không?


Hải Yến (Thực hiện)
Ý kiến của bạn