Hà Nội

Sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư máu

28-10-2022 21:37 | Y tế

SKĐS - Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm việc ứng dụng liệu pháp tế bào, tế bào gốc trong điều trị ung thư sẽ là một xu hướng mới trên thế giới, góp phần nâng hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống cho người bệnh ung thư...

Chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học quốc tế Liệu pháp Tế bào và Gen lần thứ 5, với chủ đề "Trị liệu Tế bào: Kỷ nguyên mới của y học" diễn ra trong 2 ngày 27-28/10 tại Hà Nội do Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec tổ chức, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec cho biết, việc ứng dụng liệu pháp tế bào, tế bào gốc trong điều trị đang trở thành một xu hướng mới, ứng dụng trong nhiều bệnh lý từ ung thư, thần kinh...

"Chủ đề Hội nghị thể hiện sự khẳng định vai trò của y học tái tạo và tế bào gốc trong việc khai phá những giới hạn mới của nền y học. Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh trước đây chưa có phương pháp điều trị nhưng với việc ứng dụng liệu pháp tế bào, bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện tình trạng bệnh"- GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nói.

Hiệu quả bước đầu của liệu pháp tế bào trong điều trị một số bệnh

Sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư máu - Ảnh 1.

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec chia sẻ tại Hội nghị khoa học quốc tế Liệu pháp Tế bào và Gen lần thứ 5, với chủ đề "Trị liệu Tế bào: Kỷ nguyên mới của y học"

Với căn bệnh ung thư, GS.TS Liêm thông tin thêm, hiện nay, phương pháp sử dụng tế bào miễn dịch điều trị ung thư đang được áp dụng tại một số nước trên thế giới. Bản thân trong cơ thể người có những tế bào ung thư "rất khôn", luôn trốn tránh, lẩn trốn nên dù có tế bào miễn dịch cũng không gắn được vào tế bào ung thư để tiêu diệt.

Các nhà nghiên cứu gắn vào tế nào miễn dịch này một bộ phận (giống như nam châm) để có tế bào ung thư sẽ tìm đến, gắn chặt lại và tiêu diệt tế bào ung thư.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, trên thế giới đã có một số nước áp dụng phương pháp này trong đó có khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đang bắt đầu tiếp cận vấn đề này. Chuyên gia đánh giá, để sản xuất được tế bào miễn dịch này, Việt Nam cần chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nhân lực, có công nghệ…

Vinmec đã có dự án nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị. Dự kiến tháng 12 tới, Vinmec bắt đầu triển khai dự án. Tiếp đó dành khoảng 2 tháng cho việc đào tạo nhân lực, dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023 sẽ ứng dụng điều trị bệnh đầu tiên là bệnh ung thư máu. 

"Chúng tôi chọn bệnh ung thư máu, bởi đến nay, các nghiên cứu ở các nước đang ứng dụng điều trị ung thư máu mang lại hiệu quả tốt"- GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết.

Chia sẻ thêm thông tin, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hiện có 4 loại bệnh đã được cấp phép điều trị tế bào gốc là thoái hoá khớp gối, xơ gan, teo đường mật và chấn thương tuỷ sống. Hiện điều trị khớp gối và xơ gan được áp dụng nhiều, chấn thương tuỷ sống từng trường hợp được chỉ định làm.

 Riêng về bệnh bại não đang trong quá trình nghiên cứu. Hiện đã xong giai đoạn 1 với 30 bệnh nhân. Bộ Y tế có ý kiến làm mở rộng ra 50 bệnh nhân tiếp theo. 

"Về hiệu quả bước đầu cho thấy 80% cải thiện tốt về vận động, ngôn ngữ, kỹ năng sống hằng ngày.  Đối với tự kỷ, hiện điều trị bằng tế bào gốc làm được 30 trường hợp đáp ứng ở các mức độ khác nhau, nhưng có đến 90% có thay đổi, tiến bộ, đặc biệt nhận thức, hiểu lời, tình trạng tăng động cũng giảm, đang làm pha 2 (giai đoạn 2) cho 58 bệnh nhân"- GS.TS Nguyễn Thanh Liêm thông tin.

GS Liêm cũng chia sẻ câu chuyện mới đây ông nhận được câu hỏi nhờ tư vấn của nhóm gia đình người Việt có 6 trẻ em, gồm 3 trẻ bại não, 3 trẻ tự kỉ định đưa con sang Thái Lan thăm khám, điều trị với ước nguyện "còn nước còn tát", liệu trình điều trị tế bào gốc là 1,2 tỷ một bé, trong khi ở Việt Nam, chi phí này khoảng 200 triệu.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh điều trị phải song hành cùng phục hồi chức năng, giáo dục trẻ.

"Các bạn đang đi rất nhanh và hoàn toàn có thể đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới về tế bào gốc"

Đánh giá về công nghệ tế bào gốc của Vinmec ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý hiện nay, GS.TS Chi-Ying Huang- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc gia Dương Châu nhấn mạnh: Trong 6 năm qua, chứng kiến các bước phát triển của phòng Lab do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự thực hiện về ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị một số bệnh "tôi thấy các bạn đang đi rất nhanh và hoàn toàn có thể đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới"

Cũng theo GS.TS Chi-Ying Huang, rất khó có thể so sánh thành tựu về công nghệ tế bào gốc của Vinmec với các nước khác. Chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện trước chúng ta nên họ sẽ đi nhanh hơn, còn Việt Nam mới tiếp cận trong vài văm trở lại đây.

Tuy nhiên GS.TS Chi-Ying Huang bày tỏ: "Theo tôi Vinmec hoàn toàn có thể đuổi kịp các nước khác bằng cách đi tắt, tận dụng các thành tựu mà các nước đã đạt được trước đó để áp dụng. Vì Việt Nam và các nước trong khu vực có chung tương đồng về hê gen, về thể trạng".

Sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư máu - Ảnh 2.

GS.TS Richard K Burt - Giảng viên Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) trình bày về Công nghệ ghép tế bào gốc điều trị bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMO).

GS Richard K Burt – Giảng viên Đại học Northwestern chia sẻ: Sau khi thăm và làm việc tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, tôi đánh giá cao các nỗ lực của Vinmec trong việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, bài bản với các quy trình, công nghệ chuẩn quốc tế, ứng dụng có hiệu quả tích cực với các bệnh lý như thần kinh, tự kỷ và ung thư.

"Tôi tin rằng với những nỗ lực này, Vinmec nói riêng và y học Việt Nam nói chung có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển xa hơn nữa trong lĩnh vực tế bào gốc và công nghệ gen trong tương lai"- GS Richard K Burt nói.

Hội nghị khoa học quốc tế Liệu pháp Tế bào và Gen lần thứ 5, với chủ đề "Trị liệu Tế bào: Kỷ nguyên mới của y học" lần này đã thu hút hơn 500 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các diễn giả uy tín từ các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực tế bào gốc, tế bào miễn dịch khắp thế giới.

Nhiều diễn giả đã trình bày báo cáo quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn trong điều trị các bệnh tự miễn, các bệnh lý thần kinh, bệnh hô hấp, cơ xương khớp, tim mạch; ứng dụng của thể tiết tế bào trong y sinh học, như chủ đề Công nghệ ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMO) của GS.TS. Richard K Burt - Giảng viên Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ), và Ứng dụng của tế bào gốc vạn năng (iPSC) điều trị bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) của GS.TS.BS Hideyuki Okano - Chủ nhiệm Khoa Sinh lý học Trường Đại học Y khoa Keio.

Các chủ đề mang tính ứng dụng thực tiễn cao trong trị liệu tế bào, ứng dụng trong nhiều chuyên khoa như thần kinh, xương khớp nhằm mở ra hướng điều trị các bệnh thần kinh phổ biến vốn chưa có thuốc chữa như Parkinson và các ca bệnh khó liên quan đến tủy sống... cũng được các chuyên gia chia sẻ. Đồng thời, các chuyên gia đã trình bày kết quả điều trị thực tiễn trong lĩnh vực xương khớp, đột quỵ, chấn thương sọ não, xơ gan, loạn sản phế quản phổi bằng liệu pháp tế bào thông qua những công trình nghiên cứu đã và đang triển khai trên thế giới.

Phát hiện tế bào gốc giúp sửa chữa các chấn thương xươngPhát hiện tế bào gốc giúp sửa chữa các chấn thương xương

SKĐS - Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, các tế bào gốc khác nhau chịu trách nhiệm sửa chữa các loại chấn thương xương khác nhau...

Thái Bình
Ý kiến của bạn