Ông là một võ sư nổi tiếng, gây dựng tên tuổi trên đất Nga sau những năm bôn ba, với môn phái Nhất Nam nức tiếng. Nhưng chỉ có “võ” thì hoàn toàn chưa đủ để nói về ông. Chất võ được ông vận dụng để phát triển thành công trình nghiên cứu y học dân tộc, trị bệnh cứu người. Nhưng đó cũng chưa phải là tận cùng “tuyệt đỉnh” sáng tạo từ võ, vì thứ tận cùng ấy, là thơ! Những dòng thơ được rất nhiều nhạc sỹ tiếng tăm tìm thấy cảm hứng và phổ vào giai điệu thấm đẫm tình quê hương.
Ông là Ngô Xuân Bính, một người thầy được đông đảo học trò môn phái Nhất Nam kính trọng.
Nói về ông, nếu là người vui tính thì có lẽ sẽ phải nói rằng “quá tốn mực để viết hết chức danh gắn với thầy”. Bởi ông vừa là võ sư sáng lập ra môn phái Nhất Nam danh tiếng, vừa là “Giáo sư y học dân tộc” do Hiệp hội Y học dân tộc Nga (RANM) trao tặng, vừa là “Viện sĩ” do Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu phong, vừa là nghệ sỹ hội họa, vừa là… thi sĩ với những dòng thơ rất đặc biệt, thể hiện những thông điệp cuộc sống gần gũi, giản dị, nhưng cũng là những triết lý phương Đông sâu sắc.
Nhưng thôi, thông tin về ông thì những ai quan tâm không khó tìm ra thông qua Internet, bởi ở mỗi lĩnh vực, Giáo sư (GS) Ngô Xuân Bính lại có bề dày hoạt động và bảng kê thành tích “dày cộp”, nêu thoáng qua thì quá thiếu sót, mà kể chi tiết thì có lẽ trong phạm vi một bài báo, chẳng ai có thể làm nổi.
Vậy nên giờ hãy chỉ nói tới ông như một nhà thơ thôi, khi mà đêm nhạc “Ân khúc - Giao hòa” tôn vinh ông đang tới gần.
Nhiều người đã rất băn khoăn rằng làm sao ông có đủ thời gian để nuôi dưỡng cảm hứng thi ca, khi mà ông dành rất nhiều tâm huyết cho võ học, y học, với những cuốn sách hướng dẫn võ thuật từ căn bản tới nâng cao, với bộ sách châm cứu nhiều trang nhất từng xác lập kỷ lục Việt Nam?
Với GS Ngô Xuân Bính, cơ duyên và khoảng thời gian dành cho thi ca rất tự nhiên. “Đó chỉ là những thúc bách về tinh thần, những gì ta đi, ta thấy, ta chiêm nghiệm, đến một ngày không viết ra không được. Cũng như đến với hội họa vậy. Đôi khi mất ngủ, không thể ngủ được nếu không dùng cây cọ, màu sắc để giải tỏa tinh thần” (*), chỉ đơn giản vậy thôi!
Nhưng khổ nỗi, đọc được thơ của GS Ngô Xuân Bính và “cảm” được những dòng thơ ấy không phải điều dễ dàng!
Trước hết, tìm thơ của GS Ngô Xuân Bính trên mạng Internet hiện nay khó như mò kìm đáy bể, nếu không muốn nói là không có, dù cho ông đã xuất bản 5 tập thơ với số lượng trang không hề ít ỏi. Có lẽ đó là kết quả của việc GS Ngô Xuân Bính thành danh ở Nga trước khi danh tiếng của ông “lan” về Việt Nam. Chẳng vậy mà những thông tin bằng tiếng Nga về giáo sư phong phú hơn nhiều so với các nội dung Việt ngữ.
Thứ đến, kể cả khi cầm trên tay tập thơ của GS Ngô Xuân Bính, độc giả yêu thi ca cũng phải dành thời gian để chiêm nghiệm cái góc, cái ý tứ lẩn khuất bên trong, vừa sâu xa lại vừa gần gũi. Chẳng thế mà nhạc sĩ Huy Thông mới chia sẻ: "Thơ của Ngô Xuân Bính không dễ đọc và không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Chúng có sẵn tính nhạc và đầy sự chiêm nghiệm. Đó là sự dồn nén của tình yêu dành cho đất nước, cho văn hóa truyền thống dân tộc. Các bài thơ của ông đầy ắp hơi thở cuộc sống, từ những thứ giản dị như con tôm, con còng đến các vấn đề lớn của thời cuộc".
Bởi khó tìm để đọc, khó “cảm” những dòng thơ ấy, nên đêm nhạc “Ân khúc - Giao hòa” được tổ chức vào tối 24/1 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), gồm các ca khúc nổi tiếng được phổ từ thơ của Giáo sư Ngô Xuân Bính lại càng trở nên đặc biệt.
Đặc biệt nhất chính là sự tò mò, khi những ai chưa từng đọc thơ của vị giáo sư, võ sư, bác sỹ ấy, hay những ai chưa cảm nhận được thơ của ông, có thể tìm thấy một cách trải nghiệm dễ chịu hơn: Nghe các ca khúc được 10 nhạc sỹ nổi tiếng của Việt Nam phổ nhạc trên nền thơ Ngô Xuân Bính.
Không tin ư? Cứ thử xem, những dòng thơ tưởng như trắc trở, gập ghềnh nhưng lại ẩn chứa góc nhìn phóng khoáng sẽ dễ "cảm" thế nào khi được cất lên trong giai điệu nhạc mượt mà: “Chân kều xếp lại thế núi/ Đuôi kiến tạo dòng chảy/ Trái tim phồng căng” (**)…
Đêm nhạc “Ân khúc - Giao hòa” – với các ca khúc được 10 nhạc sỹ thành danh của Việt Nam phổ nhạc trên lời thơ Giáo sư, Bác sỹ Ngô Xuân Bính – diễn ra vào tối 24/1 ở Nhà Hát Lớn (Hà Nội). Các nhạc sỹ phổ nhạc gồm: Nguyễn Cường, Phú Quang, Huy Thông, Xuân Phương, Đức Trịnh, Phú Cử, Trọng Tuấn, Tuấn Phương, Kim Quang, Quang Vinh.
Đêm nhạc được xây dựng kịch bản công phu, mở màn với "Chợ quê", phần "Ân Khúc", với 7 bài: Đêm thanh lắng, Huế một lần gặp, Nỗi nhớ quê, Nếp nương, Mùa thu vàng lao xao, Thả thuyền bến Mơ và Hà Nội trong tôi. Phần II “Trí ngộ”, với Tượng nhà mồ, Tháp Chàm, Trầu cau, Nợ, Lão xẩm, Đất quê... Và kết thúc với "Làng ta”. Cố vấn chương trình: Nhạc sỹ Huy Thông, Tổng đạo diễn: Nhạc sỹ Quang Vinh – nhà hát Âu Cơ, viết lời bình MC: Nhà văn Chu Lai.
(*)(**) Tư liệu về GS Ngô Xuân Bính được khai thác từ nội dung của tác giả Thụy Anh (Hà Nội)
Theo An ninh Thủ đô