Đang trực cấp cứu thì chị bạn điện thoại đến trong nước mắt:
- Chú chị bị ung thư gan, mới phát hiện, nhưng lại là giai đoạn cuối rồi. Em biết đó, đàn ông thường mạnh mẽ, kiên cường... chính vì điều đó đã trở thành nhược điểm, làm chậm trễ trong việc phát hiện và chữa trị bệnh. Chú chị bị đau bụng âm ỉ, ăn kém, sụt cân cả 3-4 tháng nay... cho đến khi thấy vàng da vàng mắt, trông vào gương hình tướng trở nên xấu mới chịu đi khám. Nhưng bác sĩ đã lắc đầu nói: Cuộc sống bây giờ tính từng ngày. Mới đó à... Mới còn đi đứng nói cười... Mới còn tính mua xe hơi đẹp cho con gái...
- Cho chú nghe kinh đi chị.
- Gia đình chị giấu không cho chú biết. Bây giờ nghe kinh hay giảng về vô thường là chú biết mình bị bệnh ung thư ngay...
Giờ phút này rồi còn giấu chi nữa. Còn một ngày sống là còn cơ hội một ngày để cảm nhận lời dạy của đức tin,... Biết đâu giây phút cuối cùng nào đó chú kịp hiểu ra điều mà người đang khỏe mạnh như chúng ta không thể hiểu được.
- Chị rối bời quá em ơi... Thím mới mổ ung thư vú, bà chị mới mất vì đột quỵ... Bây giờ chú mà biết ung thư gan không thể cứu chữa được không biết sẽ ra sao nữa!
Nghe chị nói mà mình cũng rối bời theo, không biết nên an ủi bằng lời gì. Mất đi người thân là một điều đau đớn nhất nhưng chúng ta cứ phải đón nhận nó mỗi ngày. Dường như mọi tôn giáo đều dạy chúng ta học cách đối diện với cái chết.
Nhưng chúng ta cứ ngỡ mình bất tử. Chúng ta cứ ngỡ y học đã phát triển tột bậc có thể trị liệu được tất cả. Chúng ta không chịu đối diện với thực tế là mình cũng đang chết dần.
Chẳng phải giải Nobel Y sinh học năm 2016 phảng phất ý niệm vô thường đó sao? Có sinh là có diệt. Sinh và diệt xuất hiện cùng nhau ngay khi đứa trẻ chào đời.
Giả sử rằng: Nếu được lựa chọn giữa chết từ từ với bệnh nan y hay chết đột ngột, chết vì tai nạn bất ngờ, chúng ta sẽ chọn cái chết nào nhỉ? Thật sự chúng ta không chọn được đâu giữa hàng triệu, hàng tỷ cái duyên góp lại. Hỏi như vậy chỉ là để nhìn sâu hơn về vấn đề sinh tử. Nếu chết đột ngột có thể giảm bớt đau đớn cho người đi nhưng rất nặng nề cho người ở lại. Còn bao nhiêu điều dở dang, còn bao nhiêu chuyện cần trút cạn. Và nếu chết từ từ, người bệnh lẫn người nhà đều rất đau đớn.
Trên thế giới này, người ta vẫn còn đang tranh luận với nhau về “quyền được chết” và về sự trợ giúp từ phía nhân viên y tế cho người nào đó muốn chết. Một số bệnh viện lớn hiện nay đã có khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Không biết ở đó ngoài việc được điều trị giảm nhẹ những cơn đau về mặt thể xác bằng morphine, an thần, corticoid... bệnh nhân có được điều trị giảm đau về mặt tinh thần? Nếu có đó là phương pháp gì? Nghe kinh? Nhìn thẳng vào cái chết?
Theo mình, hãy cho bệnh nhân biết họ đang mắc ung thư giai đoạn cuối không thể nào cứu chữa và hãy sắp xếp trong phòng bệnh một góc nhỏ để ban thờ tùy theo tín ngưỡng.
Những ngày trước khi chết cực kỳ quan trọng. Đó là những ngày dọn mình! Dọn dẹp lại lòng mình.
Khi biết rằng vài ngày nữa mình sẽ chết, chúng ta có còn ham muốn một điều gì không? Những danh tính, địa vị, gia đình... và hàng trăm thứ khác nữa... mà trước đây chúng ta cho là tất cả, bây giờ có giá trị gì không?
Vốn dĩ Phật hay Chúa là ở trong lòng chứ đâu phải nơi ban thờ... Nhưng đôi lúc một thoáng ngước lên nhìn thấy nụ cười an nhiên nơi tượng Phật... chúng ta có thể thay đổi. Thay vì không chấp nhận cái chết, chúng ta lại bình tâm đón nhận nó. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy thời gian còn lại là quý báu. Sẽ nói lời tha thứ. Sẽ nói lời xin lỗi... Sẽ khác. Rất khác.
Và mình đã nói rằng:
- Chị ơi, cuộc sống vốn bí ẩn và nhiệm mầu. Sự hiểu biết của chúng ta vẫn còn sơ khai lắm. Thế nên một góc nhỏ đặt tượng theo tín ngưỡng, nơi đêm vắng lặng nằm nghe kinh... biết đâu sẽ thay đổi rất lớn nơi tâm chúng ta.