Sẽ tăng nặng mức phạt gấp 20 lần nếu lùi xe trên cao tốc?

23-05-2019 10:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Giao thông Vận tải hiện đang xây dựng Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để trình Chính phủ.

Theo bản dự thảo này Bộ GTVT dự kiến tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm trên đường cao tốc.

Đối với hành vi lùi xe trên đường cao tốc theo quy định hiện hành thì phạt tiền từ 800.000 - 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì tước GPLX từ 2 - 4 tháng. Theo dự thảo thì mức phạt sẽ tăng lên 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng.

Đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thì quy định hiện hành phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì tước GPLX từ 2 - 4 tháng. Theo dự thảo thì mức phạt sẽ tăng lên 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng.

Phạt đến 30 triệu đồng nếu vi phạm nồng độ cồn

Dự thảo cũng nêu rõ, phạt tiền từ 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; (Tước GPLX 10-12 tháng).

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ; (Tước GPLX 10-12 tháng).

Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.” (Tước GPLX 22-24 tháng).

Dự thảo cũng đề xuất, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.

Hiện trường vụ tai nạn lùi xe trên cao tốc Nội Bài - Thái Nguyên khiến bốn người chết. Ảnh: Internet.

Phạt đến 70 triệu đồng nếu vi phạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ

Dự thảo cho hay: Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (tổ chức cung cấp dịch vụ thu giá) thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành hệ thống hoặc không thực hiện đúng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100 xe đến 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750 m đến 1.000 m;

Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành hệ thống hoặc không thực hiện đúng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10 phút đến 20 phút.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (tổ chức cung cấp dịch vụ thu giá) thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành hệ thống hoặc không thực hiện đúng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150 xe đến 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1.000 m đến 2.000 m;

Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành hệ thống hoặc không thực hiện đúng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20 phút đến 30 phút.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (tổ chức cung cấp dịch vụ thu giá) thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành hệ thống hoặc không thực hiện đúng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000 m;

Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành hệ thống hoặc không thực hiện đúng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (tổ chức cung cấp dịch vụ thu giá) đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Vi phạm Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí;

Không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định...

Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và toàn thể người dân có thể gửi ý kiến tới Bộ GTVT. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 20/5 đến 20/7/2019.

Cuối năm 2016, vụ lùi xe trên cao tốc Nội Bài - Thái Nguyên xảy ra khi một chiếc Toyota Innova chở 10 người đi lùi trên cao tốc, dẫn tới va chạm mạnh với xe container, trong đó bốn người chết.

Tháng 9/2018, một nữ tài xế lái ô tô ngược chiều trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị các thiết bị giám sát trên cao tốc ghi hình lại. Với lỗi đi ngược chiều trên cao tốc, nữ tài xế trên bị phạt 7 triệu đồng và tước GPLX ba tháng. Theo lời giải thích của nữ tài xế này, do đi nhầm đường nên đã quay đầu và lái xe đi ngược chiều trên cao tốc. Nhân viên của trung tâm điều hành cao tốc đã phát hiện kịp thời, chặn xe này lại nên không gây ra hậu quả đáng tiếc.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tại mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên đường cao tốc còn tương đối thấp trong khi mức độ nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn không kém gì so với trường hợp sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe gây tai nạn. Do đó cần tăng mức phạt và thời hạn tước GPLX để răn đe, phòng ngừa.

Chi tiết Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt dưới đây:


L.Nguyên
Ý kiến của bạn