Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá sách giáo khoa hiện hành do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản và phát hành đã được đăng ký giá với Bộ Tài chính từ năm 2011 và không thay đổi trong suốt 8 năm qua. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như chi phí nhân công, chí phí nguyên nhiên vật liệu, chí phí vận chuyển… đều tăng đã khiến cho hoạt động xuất bản - phát hành SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị lỗ trong những năm gần đây .
Cụ thể, so với năm 2011, lương tối thiểu vùng tăng gần 3,1 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Nguyên vật liệu phục vụ in sách giáo khoa đều tăng cao, riêng giấy để in sách giáo khoa phục vụ năm học 2019 - 2020 đã tăng so với năm trước bình quân 20%, giá điện tăng bình quân hơn 40%, nên việc in sách giáo khoa bị lỗ. Theo báo cáo tài chính được kiểm toán, hoạt động kinh doanh sách giáo khoa năm 2014 lỗ 53,7 tỷ đồng, 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng, 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 38 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng. Trước thực tế đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ xem xét được điều chỉnh giá bán sách giáo khoa hiện hành từ năm học 2019-2020.
Với phương án đã được phê duyệt, giá bán các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn. Bảng giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học cả nước và trên website của nhà xuất bản. Sách giáo khoa phục vụ năm học 2019-2020 bắt đầu được phát hành từ tháng 4/2019.
Năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện kiện toàn lại hệ thống cửa hàng đảm bảo luôn đầy đủ sách giáo khoa tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Nhà xuất bản cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kịp thời mọi khúc mắc về nhu cầu mua sách giáo khoa của học sinh và phụ huynh.
Danh mục sách giáo khoa của từng lớp được in trên bìa 4 của mỗi cuốn sách sách giáo khoa để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng sách giáo khoa theo danh mục quy định. Để tăng tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện in dòng khuyến cáo: “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của tất cả các cuốn sách giáo khoa.