Sẽ sửa nghị định của Chính phủ theo hướng tăng mức phạt với hành vi uống rượu bia tham gia giao thông

05-06-2019 07:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều nay (4/6), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời về việc khắc phục tình trạng gian lận thi cử và quan điểm trong việc xử lý người uống rượu bia gây tai nạn giao thông.

Nguy hại khôn lường  khi uống rượu bia tham gia giao thông

Trả lời câu hỏi của đại biểu về quan điểm đối với tình trạng uống rượu bia gây tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Quốc hội, hệ thống chính trị và cả xã hội đều đã thấy sự nguy hại khôn lường của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông,  gây tai nạn giao thông. Đây cũng là nguyên nhân gây ra những cái chết rất đau thương, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội và chính bản thân người gây tai nạn. Do đó, cần quán triệt nghiêm túc việc “đã uống rượu bia là không tham gia giao thông”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về tình trạng uống rượu bia tham gia giao thông.

"Sức khỏe con người là trên hết. Thế nhưng, chỉ vì cuộc vui, chỉ vì một chút quá chén mà đi ra đường, điều khiển phương tiện giao thông gây ra những hậu quả hết sức đau lòng. Cho nên, tất cả chúng ta đều thấy rằng, đã uống rượu bia là không tham gia giao thông", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Theo Phó Thủ tướng, về pháp luật, có đầy đủ các quy định, chế tài đối với vấn đề này như Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ.

"Tới đây, chính phủ sẽ sửa nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với những hành vi vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, cũng sẽ có những chế tài rất nặng và nghiêm minh với vi phạm của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xe, cơ sở đào tạo, kiểm định hay cán bộ thừa hành", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Ngày 3/6, Quốc hội đã bỏ phiếu cho ý kiến với 3 quy định trong dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
*Quy định liên quan đến việc uống rượu bia của người điều khiển giao thông được cho ý kiến đầu tiên.
-Phương án 1: Quy định cấm hoàn toàn người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhận được 214 trong tổng số 441 đại biểu tham gia ủng hộ, tương đương 44,21%.
-Phương án 2: quy định Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn vượt qua quy định của Pháp luật về An toàn giao thông. Được lấy ý kiến sau, phương án này được 240 đại biểu trong số 417 đại biểu tham gia đồng ý, tương đương 49,59%.
Cả hai phương án đều không đạt quá bán.
* Với Quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia, hai lần bỏ phiếu của Quốc hội cũng không lần nào đạt được quá bán.
-Phương án 1: Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau. 224 trong tổng số 440 đại biểu tham gia đồng ý, tương đương 46,28% tổng số đại biểu Quốc hội
-Phương án 2: Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. 206 trong tổng số 440 đại biểu tham gia đồng ý, chiếm 42,56% tổng số đại biểu Quốc hội.
*Duy chỉ có Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em đã được 351/442 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 72,52%) đưa vào Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguyên nhân lái xe dùng rượu bia

Cần có giải pháp giải quyết gian lận thi cử, tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh

Trước vấn nạn gian lận thi cử, trả lời đại biểu Quốc hội về giải pháp căn cơ xử lý tình trạng này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Ngay khi xảy ra gian lận thi cử, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương tiến hành điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải khởi tố xử lý nghiêm. Vấn đề này đã và đang được Bộ Công an và công an các địa phương tiến hành điều tra, xử lý.

Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bảo đảm trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh cả nước với các giải pháp chấn chỉnh kịp thời đối với công tác này.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, xảy ra tình trạng gian lận thi cử là bởi có những phụ huynh muốn con em mình được vào các trường đại học nên đã có hành vi tiêu cực, lại được người trong ngành giáo dục tiếp tay, quản lý nhà nước chưa chặt chẽ nên để xảy ra sai sót dẫn đến hành vi gian lận trong thi cử.

“Để khắc phục điều này đòi hỏi phải có nhận thức chung của xã hội để củng cố nền tảng đạo đức xã hội, ý thức, trách nhiệm, sống trung thực, biết tôn trọng giá trị đạo đức xã hội, quyền lợi của người khác, không làm mất đi cơ hội của người khác”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Muốn vậy, nhận thức vấn đề này phải được giáo dục ngay từ trong nhà trường, trong cả hệ thống chính trị, củng cố quy chế thi cử cho thật chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm quá trình thi khách quan, trung thực, nghiêm minh, có sự kiểm soát của các cơ quan và cộng đồng xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định nếu đã phát hiện vi phạm thì ở mức nào phải xử lý ở mức đó, không làm oan và cũng không có vùng cấm.


Hải Yến
Ý kiến của bạn