Trước việc hàng nghìn cây xanh của Thủ đô sẽ bị chặt hạ trong năm 2015 theo đề án cải tạo thay thế cây xanh của Sở Xây dựng Hà Nội trình thành phố, KTS Nguyễn Hoàng Phương - thành viên Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc đã đứng lên kêu gọi mọi người đóng góp hình ảnh, clip do chính họ chụp và quay lại để thực hiện một bộ phim tài liệu “6.700 người vì 6.700 cây xanh”. Để hiểu hơn về mục đích và ý nghĩa của bộ phim này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn KTS Nguyễn Hoàng Phương về bộ phim này.
P.V: Anh có thể cho biết, ý tưởng xây dựng bộ phim tài liệu “6.700 người vì 6.700 cây xanh” được xuất phát từ đâu?
KTS Nguyễn Hoàng Phương: Câu chuyện bắt đầu từ sáng thứ 2 (16/3) khi nhà báo Trần Đăng Tuấn có viết lên trang cá nhân của ông một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về quyết định hạ chặt 6.700 cây xanh trên các tuyến phố Thủ đô. Bức thư sau đó được chia sẻ rất nhiều và tôi có đọc được.
KTS Nguyễn Hoàng Phương - thành viên Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc đã đứng lên kêu gọi mọi người đóng góp hình ảnh, clip do chính họ chụp và quay lại để thực hiện một bộ phim tài liệu “6.700 người vì 6.700 cây xanh”.
Vấn đề được đề cập đến trong bức thư đã khiến tôi suy nghĩ và bị lôi cuốn. Sau đó, tôi đã nói chuyện, bàn luận cùng những thành viên của CLB Điện ảnh kiến trúc về điều này và nghĩ đã đến lúc cần phải làm một việc gì đó. Và một ý tưởng bật ra, chúng tôi quyết định sẽ làm một bộ phim tài liệu về câu chuyện này.
Trước đó hai tuần, CLB Điện ảnh kiến trúc của chúng tôi cũng đã trình chiếu một bộ phim về quy hoạch đô thị ở nước Đức và nó mang lại ấn tượng rất lớn với mọi người trong việc bảo vệ môi trường trong thành phố như thế nào. Câu chuyện ở nước Đức kia cũng có nhiều nét giống với việc đang xảy ra đối với những cây xanh tại Hà Nội nên tất cả đều nhất trí với ý tưởng về bộ phim.
P.V: Vậy cái tên “6.700 người vì 6.700 cây xanh” nó mang ý nghĩa như thế nào?
KTS Nguyễn Hoàng Phương: Sau khi bàn bạc, tham khảo và được tư vấn, tất cả chúng tôi đều nghĩ đây là một cái tên thú vị cho bộ phim, bởi nó nói lên được cách ứng xử của người dân Thủ đô với câu chuyện này như thế nào. Một câu chuyện hoàn toàn khách quan theo đúng thời gian biểu xảy ra từ ngày khi bắt đầu cho tới khi việc được kết thúc.
Và điều đặc biệt, đây sẽ là một bộ phim do hàng nghìn người làm chứ không gì riêng của chúng tôi. Tất cả những người gửi hình ảnh, clip, thông tin đều được coi là thành viên của đoàn làm phim.
P.V: Hiện tại, công việc thu thập tư liệu xây dựng bộ phim đã được anh và mọi người thực hiện như thế nào?
KTS Nguyễn Hoàng Phương: Bộ phim sẽ cần rất nhiều hình ảnh ở những mốc thời gian khác nhau: hình ảnh hàng cây, con phố trước khi bị chặt hạ, rồi lúc bị chặt, sau khi chặt… nên nếu chỉ mình chúng tôi làm thì có lẽ không kịp và không đủ. Nên tôi và các thành viên CLB đã lập một fanpage trên Facebook mang tên của bộ phim “6.700 người vì 6.700 cây xanh” để kêu gọi mọi người gửi hình ảnh, clip do chính họ tự thực hiện để giúp xây dựng bộ phim.
Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sẽ phỏng vấn thêm các nhà làm phim tư liệu, nhà văn hóa, nhà lịch sử, kiến trúc sư, những ai đang sống ở Hà Nội có một kỉ niệm hay tình yêu đối với Hà Nội... để bộ phim được sâu sắc và ý nghĩa hơn. Đặc biệt, chúng tôi có được sự cố vấn của đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam – Đặng Nhật Minh.
Khi được mời làm cố vấn cho bộ phim tài liệu “6.700 người vì 6.700 cây xanh” tôi liền đồng ý bởi đây là ý tưởng rất hay và ý nghĩa. – Đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Đây là một vấn đề đang gây nhiều bức xúc cho người dân ở Hà Nội. Việc chặt hạ để thay thế 6.700 cây xanh khác là điều không có gì để biện minh. Tôi đã đọc khá nhiều lời giải thích của những người có trách nhiệm rằng, đây là những cây không nên trồng ở Hà Nội, nguy hiểm, sâu mọt... Nhưng cần phải hiểu rằng những cái cây đó là một phần lịch sử của thành phố, một phần ký ức của những người từng sống và lớn lên ở Hà Nội. Vì vậy, không thể nào biện minh bằng lí do gì mà xóa đi những ký ức đó được. Nó là một phần số phận của thành phố, gắn liền với thành phố, như một phần lịch sử của thành phố. Cho nên chúng ta phải trân trọng và giữ gìn nó.
Cùng với đó, qua những hình ảnh, ý kiến của mọi người đóng góp chúng tôi sẽ chỉnh sửa và hoàn tất kịch bản rồi tiến hành dựng phim khi đủ tư liệu. Dự kiến, bộ phim sẽ kéo dài 1 tiếng. Tuy nhiên, cũng có thể thêm tập 2, tập 3… tùy theo diễn biến của câu chuyện xảy ra.
P.V: Vậy, trong quá trình thu thập tư liệu qua cộng đồng mạng xã hội anh và các thành viên CLB có gặp khó khăn nào không?
KTS Nguyễn Hoàng Phương: Đến thời điểm này thì chúng tôi có thể nói là chưa có khó khăn nào cả. Sau 24 giờ được lập, trang fanpage “6.700 người vì 6.700 cây xanh” đã có khoảng 3.000 người tham gia. Mỗi một phút chúng tôi lại nhận được phim và hình ảnh của mọi người gửi về. Đó là một tín hiệu mà tôi thấy rất vui. Thú vị nhất đó là có thể đo được mức phản ứng của một người dân bình thường trước một sự kiện.
Một thuận lợi khác, chúng tôi đang có hàng nghìn người cùng nghĩ và làm. Khi chúng tôi bàn luận về ý tưởng và cách xây dựng bộ phim thì đã có hàng nghìn “quay phim” đang giúp ghi lại những hình ảnh chân thực nhất và đóng góp những ý tưởng về kịch bản.
P.V: Qua bộ phim anh muốn gửi gắm thông điệp gì tới khán giả?
KTS Nguyễn Hoàng Phương: Bộ phim sẽ không phải là một lời phán xét xem vấn đề này đúng hay sai. Bởi việc này còn phải đợi các nhà khoa học, nhà báo, luật sư, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xem là đề án này có gì sai hay đúng, sai ở đâu, đúng ở đâu... Tuy nhiên, qua bộ phim của chúng tôi muốn nói đến một câu chuyện khác, đó là trách nhiệm của từng người dân sống trong đô thị nên hành động như thế nào khi gặp phải những việc như thế. Sức mạnh của người dân có tác động như thế nào đối với truyền thông và cách phản hồi của các cấp lãnh đạo trước nhưng việc người dân không đồng tình.
P.V: Cảm ơn KTS Nguyễn Hoàng Phương.
Bộ phim sẽ là một tư liệu, một bài học nhằm mục đích để sau này khi mọi người xem lại sẽ biết được rằng TP Hà Nội đã từng có một đề án được triển khai như thế, từng một thời như vậy và rút ra được bài học để nó không bị lặp lại nữa –Nhà báo Lê Việt Hà người sáng lập CLB Điện ảnh kiến trúc và đồng hành cùng ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu “6.700 người vì 6.700 cây xanh”