Sẽ nổ súng nếu Nga tiến vào miền Nam Crimea

02-04-2014 10:15 | Quốc tế
google news

Ông Cemil đã có cuộc trao đổi khoảng 30 phút qua điện thoại với Tổng thống Nga Putin vào đêm trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày hôm qua, 1/4, ông Mustafa Cemil cho rằng: “Mối quan tâm lớn nhất chúng ta là khả năng xung đột vũ trang và đổ máu ở Crimea”.

Theo ông Cemil, quân đội Ukraine sẽ chiến đấu nếu quân đội Nga xâm chiếm Ukraine, bất chấp sự chênh lệch về lực lượng và tiềm lực quốc phòng.

“Chúng tôi sẽ nổ súng nếu quân đội của họ (Nga) tiến vào lãnh thổ Ukraine. Điều này sẽ không có lợi cho Nga cũng như Tổng thống Putin. Dẫu không muốn, nhưng chúng ta không thể loại trừ bất kỳ tình huống nào, bất kể là phải đổ máu”, ông Cemil nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Mustafa Cemil cũng khẳng định, việc Cộng hòa Crimea gia nhập Nga vi phạm các Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994 đã ký giữa Nga và phương Tây nhằm đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

“Đây là thảm kịch tồi tệ đối với tất cả người dân Crimea, không chỉ với những người Tatar-Crimea, mà còn đối với dân tộc Ukraine và chục ngàn người Nga không muốn trở thành công dân của nước Nga”.

Trước đó, ông Cemil đã có cuộc trao đổi khoảng 30 phút qua điện thoại với Tổng thống Nga Putin nhằm truyền đạt lập trường của Hội đồng dân tộc người Tatar tại Crimea vào đêm trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

“Chúng tôi đã nói chuyện nửa giờ. Tôi đã nói với Putin rằng người Tatar không tham gia trưng cầu dân ý sắp tới bởi sự vô lý của nó (cuộc trưng cầu dân ý), cũng như những mâu thuẫn với một số điều luật và tiêu chuẩn cơ bản của Hiến pháp và các Hiệp định liên quan tới Ukraine và Crimea”.

“Tương lai của bất kỳ khu vực nào của Ukraine không thể được xác định ở cấp địa phương mà không có sự đồng ý của các thành tố khác của trung ương”, ông Cemil khẳng định.

Ông Mustafa Cemil trong vòng vây báo chí. Ảnh; Unian

Nhà lãnh đạo Tatar-Crimea Cemil cũng cho rằng, tình hình tại Ukraine và Crimea sẽ không diễn biến xấu như hiện nay nếu Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Quốc hội Ukraine nên sớm thảo luận về việc làm thế nào để một lần nữa trở thành quốc gia hạt nhân. Tôi tin chắc rằng, nếu chúng ta có sức mạnh hạt nhân, điều này sẽ không xảy ra”, ông Cemil nhấn mạnh.

Trước đó, trong bài phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, được triệu tập theo sáng kiến ​​của Ukraine và Lithuania, ông Cemil thừa nhận mối quan hệ không tốt đẹp giữa cộng đồng người Tatar-Crimea và chính quyền Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych.

"Người Tatar - Crimea đối lập với chính quyền Yanukovych, và không bỏ phiếu cho ông Yanukovych cũng như chính quyền của ông ta trong các cuộc bầu cử diễn ra tại Ukraine suốt thời gian qua", ông Cemil nói.

Là cộng đồng Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người Tatar chiếm khoảng 12%trong tổng số 2 triệu dân của Crimea và coi đây là quê hương lịch sử của họ.

Năm 1944 toàn bộ người dân Tatar bị trục xuất tới Siberia và Trung Á theo lệnh của Đại Nguyên soái Josef Stalin, lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ.

Sau nhiều thập kỷ biểu tình ôn hòa, khoảng 200.000 người cuối cùng đã quay trở lại bán đảo này vào đầu những năm 1990. Họ tiếp tục yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận tuyên bố lịch sử của họ đối với Crimea và đảm bảo việc bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Tatar.

Kể từ khi Crimea tuyên bố độc lập và chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga, người Tatar bất ngờ trở thành một lực lượng chính trị được tính đến. Mejlis tuyên bố chính phủ mới của Crimea và cuộc trưng cầu ngày 16/3 là bất hợp pháp.

Hiện nay cả Nga và Ukraine đang nỗ lực thuyết phục người Tatar trên bán đảo Crimea này bằng những cam kết và sự bảo vệ.

Theo Tiền Phong


Ý kiến của bạn