Sẽ ngưng thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước?

27-12-2011 16:08 | Thời sự
google news

Tập đoàn kinh tế là mô hình tổ chức mới trong khu vực kinh tế Nhà nước được thí điểm từ năm 2005. Theo mô hình này, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Tập đoàn kinh tế là mô hình tổ chức mới trong khu vực kinh tế Nhà nước được thí điểm từ năm 2005. Theo mô hình này, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có quan hệ về vốn hoặc hợp tác tập hợp lại tạo thành những DN khổng lồ chi phối cả ngành công nghiệp mà tập đoàn đó đang hoạt động. Theo cách nói đầy hình ảnh, các tập đoàn sẽ là những “quả đấm thép” của nền kinh tế. Cách đây gần hai năm, ngày 10/3/2010, tại buổi làm việc với đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá: “Các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là lực lượng giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế, là công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô”, trong thời gian tới, có 3 “gánh nặng” đặt lên vai các Tập đoàn là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát.

Sau 6 năm thí điểm, cả nước có 12 tập đoàn kinh tế. Các tập đoàn đã “gánh” 3 gánh nặng ấy ra sao; Mục tiêu của những “quả đấm thép” ấy là ai? Trong khi cả nước đang gồng mình chống lạm phát thì các tập đoàn như EVN… làm mình làm mẩy kêu lỗ, đòi tăng giá. Trong khi đó, trong khi nhiệm vụ chính lơ là, nguồn lực còn hạn chế thì 11 tập đoàn (chưa kể Vinashin) đã đầu tư ra ngoài ngành 19.500 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), phần lớn số tiền này đổ vào tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm... - những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao.

 Các tập đoàn kinh tế cần là những đầu tàu thực sự kéo nền kinh tế phát triển.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhận xét: Việc các tập đoàn dùng uy tín, nguồn lực của Nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được sẽ làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân. Bộ KH-ĐT nêu rõ, phần lớn tài sản của nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước được hình thành từ vốn vay; lãi không cao, không tương xứng với những ưu ái và hỗ trợ mà Chính phủ dành cho các tập đoàn. Đặc biệt, lợi nhuận đang có xu hướng giảm dần. Ngay cả những trường hợp có lợi nhuận cao thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 12 - 13% như trường hợp của PetroVietnam và Viettel, tức là thấp hơn cả lãi suất ngân hàng. Không những thế, “quả đấm thép” Vinashin còn tiêu tán cả trăm ngàn tỷ đồng tích cóp từ từng đồng thuế của người dân.

Và cuối cùng, tại hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước mới đây, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị trong 2 - 3 năm tới, tạm ngừng thí điểm thành lập mới tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Mới ở mức thí điểm, 12 tập đoàn (từ các tổng công ty 91 được nâng cấp) đã chiếm đến 30% giá trị tài sản, 51% vốn và 40% tổng số lao động của khu vực kinh tế quốc doanh. Còn nếu tính trong toàn bộ nền kinh tế, các tập đoàn chiếm 10% tổng giá trị tài sản, 14% tổng số vốn và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Thí điểm là thử thực hiện trong phạm vi hẹp để rút kinh nghiệm”. Con số thống kê, dẫu khô khan, cũng đã cho thấy quy mô, sự phổ quát và vai trò thống lĩnh nền kinh tế của các tập đoàn. Nếu thí điểm đúng nghĩa là thí điểm, biết đâu hội nghị vừa qua đã là dịp mổ xẻ để có thể đề xuất thành lập thêm n “quả đấm thép” thay vì phải tạm dừng để rút kinh nghiệm.  

Tựu trung, cuộc khủng hoảng kinh tế đã phơi bày hàng loạt yếu kém của các tập đoàn dẫu sao cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có khoảng lặng để nhìn lại, như Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói, là để “tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các tập đoàn hiện có”.

Thanh Lan


Ý kiến của bạn