Sẽ là thảm họa nếu xăng chảy vào cống thoát nước thành phố

06-06-2013 14:00 | Pháp luật
google news

Vụ cháy trạm xăng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra chiều 3/6/2013 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy hiểm luôn rình rập xung quanh các điểm bơm xăng trên địa bàn Thủ đô.

Vụ cháy trạm xăng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra chiều 3/6/2013 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy hiểm luôn rình rập xung quanh các điểm bơm xăng trên địa bàn Thủ đô. Điều đáng nói, toàn thành phố hiện có 489 cây xăng, qua kiểm tra của Sở Cảnh sát PCCC thì có đến 117 cửa hàng kinh doanh xăng dầu có những vi phạm khác nhau. Như vậy, nguy cơ mất an toàn tại điểm bơm xăng luôn chực chờ, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh công tác PCCC sau vụ hỏa hoạn tại cây xăng vừa qua.

Sẽ là thảm họa nếu xăng chảy vào cống thoát nước thành phố 1
 Hình ảnh từ vụ cháy cây xăng chiều ngày 3/6. Ảnh: Thế Long

PV: Thưa ông, vụ cháy cây xăng vừa qua đã bộc lộ những khó khăn trong công tác PCCC tại những “điểm nóng” của Hà Nội, những khó khăn đó là gì và giải quyết ra sao?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi: Ở Hà Nội, mỗi năm trung bình có từ 230 - 250 vụ cháy, nổ. Năm 2012 vừa qua, nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên đã giảm 13% số vụ cháy, từ 220 xuống 197 vụ. Sở PCCC Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2013 giảm 5 - 10% số vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2013 có 76 vụ cháy nổ, làm chết 3 người, bị thương 11 người, thiệt hại 16 tỉ đồng; so với cùng kỳ năm 2012, giảm 49 vụ cháy, 5 người chết, giảm về thiệt hại tài sản. Hiện nay, an toàn phòng chống cháy nổ tại các trạm bán lẻ xăng dầu đang lộ rõ nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là tại các cây xăng ở nội thành Hà Nội. Toàn thành phố hiện có 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày. Tại khu vực các quận nội thành, hàng loạt cây xăng nằm sát khu vực đông dân cư, có nguy cơ cao về cháy nổ. Do quỹ đất chật chội nên hầu hết các cửa hàng xăng, dầu không đạt quy chuẩn an toàn. Nhiều trạm bán lẻ xăng, dầu có diện tích rất khiêm tốn, nằm xen kẽ giữa các khu dân cư đông đúc, nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất lớn. Trong khi đó, theo quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đến năm 2015, Hà Nội phải xóa bỏ, giải tỏa 10 cửa hàng trước ngày 30/12/2014; di dời theo dự án khác 45 cửa hàng. Trở lại vụ cháy xảy ra chiều 3/6 vừa qua, sau khi nhận được báo cháy, Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm đã điều 5 xe đến hiện trường nhưng trước đám cháy quá lớn, chúng tôi đã huy động thêm 10 xe từ các quận khác đến hỗ trợ, cộng thêm 2 xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô... cùng hàng trăm chiến sĩ trực tiếp tham gia dập lửa. Sau hơn 5 giờ chiến đấu với giặc lửa, vụ cháy đã cơ bản được dập tắt. 9 chiến sĩ đã bị thương, trong đó có 2 người bỏng nặng nhất. Khó khăn thì có nhiều, nhưng khó nhất vẫn là trang thiết bị phòng hộ cho chiến sĩ. Trong kho của lực lượng PCCC có 50 bộ quần áo bảo hộ, chúng tôi phát hết cho anh em rồi nhưng nói thực là không đủ. Mỗi bộ như vậy giá 300 triệu đồng, phải đi mua ở nước ngoài vì trong nước chưa sản xuất được, rồi mỗi chiếc xe thang cũng trên dưới 30 tỷ đồng, mỗi lít bọt phun dập lửa cũng vài chục đô-la... Kinh phí thì hạn chế mà ngân sách lại phải chia sẻ ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Chúng tôi cũng chẳng dám đòi hỏi gì, chỉ mong rằng các cơ quan cấp trên sẽ tạo thêm điều kiện để anh em có đủ điều kiện thực thi nhiệm vụ an toàn.

PV: Sau hơn 5 giờ chiến đấu với giặc lửa, vụ cháy mới cơ bản được dập tắt, có ý kiến cho rằng, chiến thuật trong “trận đánh” này có vấn đề, ông có thể giải thích rõ hơn?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi: Tôi đã trực tiếp có mặt tại hiện trường và chỉ đạo dập lửa. Tại hiện trường lúc đó, chiếc xe téc chở xăng chứa 22 nghìn lít đang bơm xuống hầm chứa (hầm chứa được 75 nghìn lít), nhưng cũng chưa xác định được lúc đó dưới hầm còn bao nhiêu xăng. Tình hình càng lúc càng trở nên căng thẳng, vì 4 ống dẫn xăng xuống hầm chứa bị bắt lửa, xăng chảy xuống vẫn tiếp tục cháy khiến cả khu vực bùng lên dữ dội. Chúng tôi áp dụng chiến thuật làm mát bằng cách xịt nước và bọt xe téc. Đầu tiên là phải khoanh vùng để chống cháy lan sang các khu vực khác và đề phòng phát nổ và xăng tràn ra vào cống nước ngầm. Sức nóng của đám cháy có lúc lên đến hơn 1.000 độ C, cứu hỏa vừa dùng bọt trắng dập lửa, dùng cát ngăn xăng nhưng cũng vừa bơm nước để làm mát cho lực lượng cứu hỏa. Vòng ngoài, các lực lượng phối hợp đảm bảo an toàn cho nhân dân xung quanh. Huy động hàng loạt các xe ben chở cát tạo thành tường chắn ngăn không cho xăng chảy ra ngoài. Nói thật với các bạn, nếu để xăng chảy vào cống thoát nước của thành phố và nơi nào đó bất cẩn để bén lửa thì đó là thảm họa. Bên cạnh đó, vừa phải dập lửa vừa phải tìm cách không để nổ. Các bạn cứ hình dung, mấy chục ngàn lít xăng mà nổ thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Đến khoảng 16h thì dập được lửa, chúng tôi đã yêu cầu người có trách nhiệm của bên xăng dầu đưa khối lượng xăng dầu trong xe téc ra khu vực khác, nhưng rồi họ không làm được và anh em chiến sĩ PCCC phải làm luôn. Trong khi thi hành nhiệm vụ được 10 phút thì ngọn lửa lại bùng lên do xăng ở van tràn ra, một số anh em chiến sĩ bị bỏng phải đưa đi cấp cứu... Lúc đó, anh em phải nhanh chóng mở nắp thùng téc xăng ra, bơm nước vào, mục đích là nước nặng sẽ đi xuống, còn xăng nhẹ sẽ ở trên để hút ra khỏi téc.

PV: Vụ cháy cây xăng để lại nhiều suy nghĩ, kinh nghiệm rút ra từ vụ cháy này như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi: Không phải chờ đến khi vụ cháy này xảy ra, Sở PCCC mới quan tâm đến các điểm bán xăng dầu. Đơn vị đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã xử phạt 28 cửa hàng vi phạm quy định. Tới đây, lãnh đạo Sở sẽ họp rút kinh nghiệm qua vụ dập lửa trạm xăng này. Nhằm đẩy lùi cháy nổ trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, chú ý những khu đông người, nhà cao tầng, giáo dục ý thức, nhận thức về phòng cháy, chữa cháy cho cả các hộ gia đình, trường học; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước vì trong thời gian vừa qua, việc chấp hành quản lý chưa tốt, đặc biệt là công tác xử lý, xử phạt vi phạm.

PV: Cảm ơn ông!
 
Anh Tuệ (lược ghi)

Ý kiến của bạn