Vi sinh vật có lợi trong đất sẽ bị diệt sạch
Thời gian qua, nạn kích giun đất để sấy khô và bán cho thương lái đang rộ lên. Việc bắt giun đất trở nên dễ dàng khi có thể mua loại thiết bị trên mạng, với giá chỉ từ 500.000 đồng.
Tìm kiếm với từ khóa "máy kích giun đất" trên Google, gần một triệu kết quả được trả về. Trong khi đó, trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shopee, Lazada, loại thiết bị này được rao bán với các mức giá khác nhau, từ loại đơn giản, rẻ tiền cho đến hiện đại, công suất cao, xung điện phủ diện tích lớn. Một số thậm chí còn có màn hình hiển thị thông số và điều khiển từ xa.
Trên Facebook, các hội nhóm liên quan cũng nở rộ với số thành viên từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Hầu hết chủ đề thảo luận là về mua bán thiết bị, kinh nghiệm vận hành và sửa chữa khi gặp vấn đề. Ngoài ra, một số chia sẻ việc tự mua linh kiện về lắp ráp thành sản phẩm để giảm chi phí. Giá thu mua để bán sang Trung Quốc hiện nay là 40-60 nghìn đ.ồng/kg giun tươi và từ 700,000-900,000 nghìn đ.ồng/kg giun khô.
Nói về cơ chế hoạt động của máy kích giun, ông Hoàng Trọng Tùng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, máy kích giun có cơ chế hoạt động tương tự máy kích cá nhưng thời gian hoạt động liên tục hơn, cường độ dòng điện phóng ra đều và thấp hơn. Chẳng hạn, bên trong một mẫu máy giá 950.000 đồng sẽ có hệ thống gồm các "sò" công suất để khuếch đại năng lượng, biến áp và tụ phóng dùng để nâng dòng điện từ 12V lên hàng nghìn vôn, rơ-le tự ngắt khi quá nguồn cùng một số linh kiện khác.
Khi hoạt động, máy phát ra tiếng kêu nhỏ và liên tục thay vì thời gian ngắn như máy kích cá. Trong khi đó, phần điện cực phát ra xung điện đủ lớn để giun đất thấy khó chịu và trồi lên. Giun đất xuất hiện nhiều ở hai đầu điện cực, sau đó lan rộng. Các thiết bị loại này hầu hết có xuất xứ Trung Quốc.
Theo GS Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong hệ sinh thái nông nghiệp, giun đất được coi như chỉ thị đánh giá độ phì nhiêu của đất. Việc sử dụng kích điện để tận diệt như hiện nay sẽ như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp.
Là sinh vật chỉ thị cho các vùng đất màu mỡ, giun đất được ví như người thợ cày cần mẫn và đóng vai trò quan trọng trong chu chuyển của vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Nhưng với những máy kích này, đơn giản, hiệu quả, lại thu nhập cao, tất cả đang sẵn sàng cho việc xóa sổ một loài sinh vật ra khỏi các mắt xích của hệ sinh thái. "Khi truyền dòng điện xuống lòng đất sẽ khiến không chỉ giun mà nhiều vi sinh vật chết, làm ảnh hưởng tới môi trường đất", GS Chung nói.
Thu mua giun đất là hành vi phá hoại tinh vi
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNatuere) cho biết, theo Bách khoa toàn thư Britannica, khủng bố sinh thái thường được mô tả là chiến tranh môi trường, bao gồm việc phá hủy, khai thác hoặc sửa đổi môi trường một cách có chủ ý và bất hợp pháp như một chiến lược chiến tranh hoặc trong thời kỳ xung đột vũ trang (bao gồm cả xung đột dân sự trong các quốc gia). Nạn diệt chủng giun đất này chưa đến mức gọi là khủng bố sinh thái nhưng là một kiểu phá hoại tinh vi. Trong khi người dân chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, còn tác hại khủng khiếp lâu dài thì ít ai ngờ được.
"Giun đất là một chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng của đất. Chỗ nào xuất hiện nhiều giun thì đất ở đó tốt, tơi xốp và ngược lại. Giun đồng thời cũng là chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng môi trường bởi chúng thường tìm đến những nơi không bị ô nhiễm để sinh sống. Tận diệt giun đất sẽ làm mất cân bằng sinh thái", TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp đánh giá.
Theo chuyên gia, phải cảnh tỉnh cho mọi người thấy mối nguy hại trước mắt và lâu dài của việc bắt giun bằng phương pháp hủy diệt này. Phải sửa lại một số điều luật bảo vệ môi trường bằng việc cấm các hành vi khai thác, sử dụng bằng các biện pháp kích điện gây tổn hại đến môi trường và chất lượng. Phải xây dựng quy trình và phương pháp nuôi giun đất, hướng dẫn người nuôi đăng ký và thực hiện truy xuất nguồn gốc để quản lý phân biệt giữa giun nuôi và giun bắt bằng biện pháp hủy diệt.
Dân số Việt Nam giờ trên 100 triệu rồi. Theo ước tính, 50 năm nữa sẽ là khoảng 140 triệu dân. Trong khi đó, đất trồng trọt ngày càng hẹp đi bởi đô thị hóa, mở mang giao thông, phát triển khu công nghiệp nên chúng ta cần tăng năng suất đất thì mới có đủ lương thực thực phẩm nuôi sống con người. Đất mà không tốt thì không thể giải quyết được điều đó. Muốn thế cần đi theo con đường sinh thái, sinh học chứ lạm dụng hóa chất và khai thác hủy diệt chắc chắn là không tốt.
Điều đáng nói, thiết bị kích giun được xem là hành vi hủy hoại đất, nhưng chưa có chế tài xử phạt. Nghị định 91 năm 2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định các hành vi hủy hoại đất, nhưng kích giun bằng điện chưa được quy định rõ. Việc mua bán thiết bị kích điện với giun đất cũng chưa có điều luật xử phạt cụ thể. Điều 28 Nghị định 42 năm 2019 mới quy định về mức phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đã có công văn gửi một số địa phương yêu cầu rà soát, báo cáo tình trạng kích giun đất. Giun có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản Tin Y Tế 8/8: Bé Sơ Sinh Phải Thay Máu Toàn Phần Vì Xung Đột Nhóm Máu Với Mẹ | SKĐS