Thông tin trên được Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương cho biết tại Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh vừa tổ chức mới đây.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế chuẩn bị, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại các điểm thi; thường trực cấp cứu đối với các tình huống bất ngờ.
Trong đó, lưu ý về vị trí địa điểm đặt phòng cấp cứu tại các điểm thi phải phù hợp, thuận tiện công tác cấp cứu nhanh, kịp thời. Bố trí phòng đủ rộng, đủ thoáng để thực hiện các biện pháp cấp cứu hiện trường nhanh chóng.
Ngoài ra, thời điểm tổ chức thi thường xảy ra các dịch bệnh liên quan quan đến an toàn thực phẩm, do vậy, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế thành lập các đoàn, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các hàng quán, khu vực ăn uống xung quanh các điểm thi, phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh mùa hè có thể xảy ra.
Năm nay, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh tự do có 37.841, chiếm 3,69% tổng số thí sinh. Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp có 47.769, chiếm 4,66% tổng số thí sinh. Thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học có 34.155, chiếm 3,33% tổng số thí sinh. Thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả để tuyển sinh có 943.340, chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Trong số thí sinh đăng ký dự thi, số đăng ký thi bài tổ hợp khoa học tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52% tổng số thí sinh. Số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm 55,30% tổng số thí sinh.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ: 46.670 thí sinh, chiếm 4,55% tổng số thí sinh (Hà Nội: 16.133; TP.HCM: 10.020). Cả nước có 2.273 điểm thi, với 44.661 phòng thi.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các Sở GD&ĐT năm 2022. Nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dùng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã tập huấn và hướng dẫn các Sở GD&ĐT chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định; tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước bị mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.