Sẽ không còn thuốc điều trị nhiễm khuẩn thông thường?

17-04-2016 08:30 | Y tế
google news

SKĐS - Từ trước khi vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện, chúng tôi là những người thầy thuốc đã lo lắng đến một ngày không xa...

Từ trước khi vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện, chúng tôi là những người thầy thuốc đã lo lắng đến một ngày không xa, sẽ không còn thuốc để điều trị cho những nhiễm khuẩn thông thường. Thế giới hiện nay cũng đã và đang phải đối phó với vấn nạn đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Các chuyên gia y tế thế giới cũng cảnh báo "con người rồi sẽ chết vì những bệnh thông thường mà lẽ ra điều trị khỏi bằng kháng sinh thông dụng”, hay "trong cuộc chạy đua với vi khuẩn, con người luôn là kẻ thua cuộc”. Và Việt Nam là nước có cảnh báo đặc biệt về nạn kháng kháng sinh của vi khuẩn. Vậy nguyên nhân nào đã đẩy nhanh tình trạng kháng thuốc này?

Về phía thầy thuốc, bản thân tôi cũng thực sự trăn trở. Trên thực tế những người trực tiếp ra toa, kê đơn kháng sinh cho bệnh nhân, nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng, vẫn có sự lạm dụng kháng sinh như dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu, dùng kháng sinh bao vây...

Thói quen dễ dãi mua thuốc kháng sinh của nhiều người dân khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng.

Thậm chí, có những đồng nghiệp của tôi, khi kê đơn và bán luôn thuốc cho bệnh nhân, đã bóc vỏ thuốc hoặc bẻ viên, tán thuốc... chia thành từng liều để bán cho người bệnh. Tôi không khẳng định việc làm này nhằm mục đích gì, nhưng rõ ràng rằng, nếu bệnh nhân này đi khám bệnh ở nơi khác thì bác sĩ sau không biết bệnh nhân đã dùng thuốc gì, kháng sinh gì? Vậy thì bác sĩ này sẽ lại kê thuốc theo ý mình: hoặc là cho dùng kháng sinh khác hoặc kê trúng loại kháng sinh mà bệnh nhân đã dùng. Như vậy vô hình chung đã góp phần vào hiện tượng bệnh thì không khỏi mà vi khuẩn có cơ hội kháng thuốc cao hơn.

Có người lại cho rằng trẻ em Việt Nam đề kháng kém, vệ sinh kém nên dễ bội nhiễm, do vậy thôi thì cứ cho dùng kháng sinh trước phòng khi 2-3 ngày nữa nó lại nhiễm khuẩn thì phiền phức thêm. Và dần dần hình thành nên thói quen: không cho kháng sinh cứ thấy thiếu thiếu và không an tâm.

Góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy nhanh tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn phải kể đến vai trò của các "dược sĩ" đứng quầy thuốc và vai trò của các hãng dược phẩm. Chỉ cần người bệnh đến hỏi thì nhà thuốc sẵn sàng “chỉ định” cho họ một mớ thuốc...

Nguy hiểm hơn là chính bản thân người bệnh tự phong mình làm thầy thuốc gia đình. Khi bị bệnh, nơi tìm đến đầu tiên là nhà thuốc, tự chỉ định loại thuốc mua về uống, tự mua về chữa. Một phụ huynh từng nói với tôi: “Bác sĩ kia cho liều nửa viên 1 lần mà đắng quá, bé uống bị ói nên em cho uống một phần tư viên thôi, uống được 1 ngày không đỡ em ra tiệm thuốc, cô bán thuốc bán cho em kháng sinh khác về uống vẫn không đỡ...”. Tuỳ tiện dùng kháng sinh như thế hỏi sao vi khuẩn không kháng thuốc?

Là bác sĩ, ai cũng hiểu dùng kháng sinh là phải đúng liều, đủ thời gian quy định nên mình cho kháng sinh có dặn bệnh nhân uống đủ số ngày hoặc dặn tái khám. Nhưng bệnh nhân thì không tuân thủ, cứ thấy triệu chứng bớt đi là bỏ thuốc, thậm chí còn lưu lại đơn thuốc, lần sau thấy bệnh hơi giống giống liền đem toa đi mua uống tiếp, đỡ tốn tiền đi khám, có toa xài đi xài lại cả năm trời...

Có bệnh nhân còn muốn bác sĩ kê loại thuốc mạnh, sao cho khỏi thật nhanh… Người mình cái gì cũng sốt sắng, vội vàng...  đến uống thuốc cũng phải vội vàng, 3 ngày phải khỏi mới chịu, còn không là chê bác sĩ không có trình độ - dốt.

Ngoài ra, vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng; dư lượng kháng sinh quá cao trong các nông sản như cá, tôm, thịt… cũng đã góp phần đẩy nhanh sự kháng thuốc của vi khuẩn… Cứ đà này thì đến lúc sẽ không còn thuốc để chữa trị ngay cả với nhiễm khuẩn thông thường nữa.


BS. Trần Công
Ý kiến của bạn