Dung một cô gái người Mông 15 tuổi ở huyện miền núi Xín Mần, Hà Giang có sự nổi bật so với đa số các bạn đồng trang lứa. Dung tự tin và khẳng định bản thân mình trong phong trào truyền thông về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết nơi địa phương mình sinh sống.
Gia đình Dung có 5 anh chị em, Dung là con lớn trong nhà, bố mẹ Dung kết hôn khi còn đang ở độ tuổi đến trường và sinh ra Dung khi còn ở tuổi vị thành niên, nên sức khỏe của mẹ Dung không được tốt. Chứng kiến tình trạng sức khỏe của mẹ lại hàng ngày đến lớp đến trường được các thầy cô giảng dậy về những hậu quả khôn lường của tảo hôn và hôn nhân cận huyết Dung đã thay đổi nhận thức và điều đó thôi thúc em cần phải chung tay hành động để thay đổi tiến tới xóa bỏ hủ tục này.
Khi UBND huyện Xín Mần triển khai dự án "Tăng cường vai trò của thanh niên trong xóa bỏ tảo hôn ở Việt Nam' của Plan international - một tổ chức nhân đạo,Dung đã có cơ hội tham gia và trở thành viên của CLB Thủ lĩnh của sự hay đổi. Tham gia CLB Dung được rất nhiều thứ, em tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và đặc biệt được làm chủ bản thân mình. Em được 'trao quyền'tự quyết cuộc sống và tương lai của mình. Bố mẹ Dung lúc đầu không đồng ý cho Dung học cao hơn mà muốn em sớm xây dựng gia đình. Tuy nhiên Dung đã mạnh mẽ và dứt khoát bảo vệ cuộc sống và tương lai của mình.
Dung cho biết, em thường nói chuyện và chia sẻ với bố mẹ và dạy các em trong bữa cơm tối của gia đình. Dung nói về tác hại cũng như hậu quả nặng nề của việc tảo hôn, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ sinh ra mà ảnh hưởng cả sức khỏe của người mẹ. Khi kết hôn sớm quá thì không có việc làm nên sẽ nghèo lại nghèo thêm. Thêm nữa sinh con ra không biết nuôi con đứa trẻ yếu ớt không phát triển được…Đặc biệt, kết hôn sớm sẽ tước đi nhiều cơ hội học tập và việc làm tốt hơn.
Các buổi truyền thông về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các học sinh.
Không chỉ về tuyên truyền với bố mẹ, chỉ bảo và hướng dẫn các em Dung còn trực tiếp là 'thủ lĩnh' của các buổi truyền thông về phòng chống tảo hôn tại ngôi trường em theo học cũng như truyền thông trong cộng đồng.
Dung cùng thầy cô và các bạn dựng vở kịch để tuyên truyền về tác hại của vấn nạn tảo hôn và truyền cảm hứng cho các bạn đồng trang lứa nói không với tảo hôn và kiên trì để làm chủ cuộc đời mình. Dung đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện của chính mình cũng như cách mình đã vượt qua như thế nào để khẳng định bản thân đồng thời truyền động lực cho các bạn khác.
Dung cho biết nhờ có dự án em được trang bị nhiều kiến thức kỹ năng về sức khỏe sinh sản, về tác hại của tảo hôn và đặc biệt tự tin hơn để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình sau này.
Không được may mắn như Dung, Sanh một cô gái ở xã Chiến Phố huyện Hoàng Su Phì đã phải kết hôn và làm mẹ khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Cuộc sống làm mẹ quá trẻ đứa con sinh ra luôn ốm đau bệnh tật khiến Sanh luôn cảm thấy có lỗi với đứa con và tiếc nuối về quãng thời gian được đi học.
Theo thông thường các cô gái lấy chồng kết hôn sẽ lặng lẽ và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, sau một thời gian lấy chồng sinh con Sanh đã mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, nói về cuộc sống khó khăn của mình, những sự tiếc nuối của mình. Sanh muốn chính mình là người trong cuộc nói ra những nỗi khổ, nỗi vất vả khi lấy chồng sớm để mọi người không đi theo 'vết xe đổ' đó.
Sanh chia sẻ: "Lúc em lấy chồng còn trẻ lắm, các thầy cô cũng khuyên em nhưng không hiểu sao lúc đó em lại không nghe lời. Sinh con ra cảm thấy bản thân bị ảnh hưởng nhiều. Không chỉ ảnh hưởng đến em mà có lỗi với con. Vì sinh con khi chưa đủ tuổi kết hôn nên con ra không được đi khai sinh, không có thẻ BHYT nên lúc con ốm chỉ biết đau lòng nhìn con chịu đau đớn ở nhà, khi con ốm mình còn phải chìa tay xin tiền bố mẹ. Khi chưa lấy chồng bản thân tự do được làm những gì mình thích nhưng khi lấy chồng rồi phải lo nhiều thứ, rồi bị bạn bè xa lánh'.
Sanh cũng cho biết nếu được quay lại thì em sẽ đợi khi đủ tuổi mới kết hôn. Em sẽ cắp sách đến trường như bao nhiêu bạn bè khác, thế nhưng nhưng sẽ không có phép màu nào như thế cả. Em thấy có lỗi với thầy cô vì các thầy cô luôn hi vọng ở em ( Sanh từng là một học sinh khá) nhưng em lại làm thầy cô thất vọng. Sau này con em lớn lên em không cho con kết hôn sớm như thế, em không muốn con em phải đi vào vết xe của em.
Những bức tranh cổ động do chính các em học sinh trường THCS Nàn Ma, Xín Mần vẽ để tuyên truyền về phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Những lời này của Sanh cũng được em chia sẻ trong nhiều buổi sinh hoạt dành do các bạn học sinh thành viên của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, CLB trẻ em trai, trẻ em gái, CLB cha mẹ tại cộng đồng… về chủ đề phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Plan International Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, trường học của xã Chiến Phố tổ chức.
Sanh cũng không muốn các bạn trẻ khác cũng đi vào 'vết xe đổ' như mình. Vì thế Sanh muốn kể lại câu chuyện của mình cho các bạn nghe để các bạn học sinh nhỏ tuổi hơn mình và những người xung quanh nói không với tảo hôn. Sanh muốn từ câu chuyện của mình – một nạn nhân sẽ truyền cảm hứng cho mọi người để cả cộng đồng cùng chung tay chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Dung và Sanh cũng như nhiều cô gái khác ở các bản làng vùng cao của huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì Hà Giang đang từng ngày thay đổi nhận thức của bản thân, đồng thời dùng chính câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Các em đã tự tin đứng lên nói lên tiếng nói của mình. Dung và Sanh có lẽ là nhân vật truyền cảm hứng tốt nhất đến các trẻ em vị thành niên ở các vùng miền núi xa xôi có cơ hội được nâng cao nhận thức, thúc đẩy vai trò của mình để từ đó cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, để ở những bản làng xa xôi sẽ không còn những 'lời ru buồn' vì tảo hôn và hôn nhân cận huyết.