Nhiều trẻ mắc sởi, ho gà dưới độ tuổi tiêm chủng.
Trước nguy cơ trẻ mắc sởi có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân
cần tăng cường các biện pháp phòng dịch, đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng phát thời gian tới như dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, cúm... trong đó đáng lo ngại là dịch sởi tại miền Bắc có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc đang tăng nhanh.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Trần Minh
Nhiều trẻ mắc sởi, ho gà dưới độ tuổi tiêm chủng
Thông tin tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhận định, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên người xuất hiện rải rác. Cả nước phát hiện gần 90 bệnh nhân sởi. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận hơn 11.000 ca mắc, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mùa hè sắp đến là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Ngoài ra, các dịch bệnh tay-chân-miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ... có thể lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa.
“Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học, nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nói.
Về tình hình dịch sởi, PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, phân tích cho thấy, đến thời điểm này, số ca mắc sởi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái (trong năm 2017, cả nước chỉ ghi nhận 141 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại miền Bắc). Đáng lưu ý, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi. Trong đó 54 trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 bé không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
Người lớn không có “hàng rào” miễn dịch bảo vệ
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc huy động cộng đồng và sự vào cuộc của chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Mặc dù từ đầu năm đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, nhưng vẫn lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết mà vụ dịch năm ngoái xảy ra tại Hà Nội là một bài học. Do đó, đối với một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa hè cần đánh giá tình hình, đưa ra dự báo chính xác nhất. Ví như gần 90 trường hợp bị sởi trong mấy tháng đầu năm, trong đó có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi. Thực tế này cho thấy miễn dịch sởi ở trẻ em thì có còn người lớn thì không. Trước đây, người lớn là “hàng rào” bảo vệ nhưng thực tế giờ trẻ em chính là “hàng rào” bảo vệ miễn dịch cộng đồng. Rồi tình trạng nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi. Vì sao có tình trạng này? Nguyên nhân là do miễn dịch của bà mẹ không có, vì vậy đây là lý do gây nên tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi, bệnh ho gà...
Tăng cường vệ sinh và phun thuốc phòng dịch bệnh mùa hè. Ảnh: TM
Trước nguy cơ dịch sởi có chiều hướng gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đánh giá lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng để đẩy sớm tuổi tiêm vắc-xin ở trẻ em từ 9 tháng tuổi xuống 6 tháng. “Sắp tới ngành y tế có thể sẽ tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Bên cạnh việc sẽ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ lúc 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay, năm nay, Bộ Y tế cũng sẽ đưa vắc-xin bại liệt dạng tiêm vào tiêm chủng mở rộng để thay thế vắc-xin bại liệt dạng uống.