Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa phối hợp với Facebook đã tổ chức tập huấn kỹ thuật hướng dẫn kỹ năng về công nghệ ứng dụng mạng xã hội Facebook trong truyền thông về phòng chống thiên tai cho các cán bộ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thuộc 18 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Facebook được coi là kênh truyền thông hữu hiệu và có thể tiếp cận người dân một cách nhanh chóng. Hoạt động này nhằm tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giúp người dân nhanh chóng cập nhật thông tin về cảnh báo, dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…
Được biết, sau đợt tập huấn này, Facebook sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có các lớp đào tạo, tập tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN khu vực vùng miền trong cả nước.
Thời tiết ngày càng diễn biến bất thường
Tại Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, những năm gần đây tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, thiên tai xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới.
Dự báo, tình hình thiên tai năm 2019 rất phức tạp và khó lường. Ảnh minh hoạ.
Tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2019, hiện tượng mưa cực đoan, mưa đá, giông lốc cũng đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại người và tài sản. Trong khu vực đã xảy ra 63 trân dông, lốc kèm theo mưa đá, điển hình: ngày 13-15/4 xảy ra trận dông, lốc, mưa đá Thái Nguyên ước tính thiệt hại 46,4 tỷ đồng; ngày 21-28/4 xảy ra trận dông, lốc, mưa đá Thanh Hóa ước tính thiệt hại 82,6 tỷ đồng.
Gần đây nhất, từ ngày 25/5 đến ngày 29/5, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sìn Hồ (Lai Châu) 254mm, Bắc Quang (Hà Giang) 460mm, Trùng Khánh (Cao Bằng) 222 mm, Quất Động (Quảng Ninh) 442mm. Mưa lớn đã làm mực nước sông suối ở trên địa bàn một số tỉnh vùng núi Bắc Bộ như Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái lên cao gây lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Thiên tai từ đầu năm đã làm 18 người chết và mất tích (Lốc sét 12; mưa lũ, sạt lở đất 06); 06 người bị thương và hư hại 90 nhà; thiệt hại 267 ha lúa, hoa màu, 1,1km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng 10.510m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở và ngập cục bộ một số tuyến đường.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 3.377/9.461 tỷ đồng (chiếm 36%) từ dự phòng ngân sách Trung ương; hỗ trợ 3.854/5.705 tấn gạo (chiếm 67%) cứu đói, 1.071/1.234 tấn (chiếm 87%) giống hạt giống các loại mức cao hơn nhiều so với các năm trước đây để giúp các địa phương trong khu vực nhanh chóng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất ổn định cuộc sống nhân dân, đặc biệt là việc bố trí nhà ở, di dời dân cư cho người dân chịu ảnh hưởng của lũ quét sạt lở đất.
Tập trung nguồn lực, kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường và đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc nhất là các vùng dễ bị cô lập, chia cắt. Quản lý, giám sát chặt chẽ công tác vận hành các hồ chứa. Ưu tiên cho đầu tư xây dựng công trình PCTT, khắc phục hậu quả tái thiết sau thiên tai bằng các nguồn vốn.
Tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai, đặc biệt là việc làm mới và cụ thể hóa phương châm 4 tại chỗ phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro thiên tai.