Sẽ đẩy mạnh phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng

07-11-2023 05:21 | Xã hội

SKĐS - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng…

Tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã giơ biển tranh luận, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại công tác bảo vệ rừng. 

Theo đại biểu, chúng ta thực hiện Nghị quyết 100 về chương trình 5 triệu hecta rừng thì tiền bảo vệ rừng được tính, ghi là vốn sự nghiệp và chi thường xuyên hàng năm. Nhưng hiện nay tiền bảo vệ rừng lại đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào nội dung chương trình dân tộc, trải qua rất nhiều các quy trình, thủ tục. Như vậy là không cần thiết mà các địa phương lại thiếu nguồn để triển khai thực hiện.

Sẽ đẩy mạnh phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) tại phiên chất vấn chiều 6/11.

Bên cạnh đó, về vấn đề định mức, trong rất nhiều các nghị quyết của Đảng đã nêu rõ phải có chính sách để người dân sống được từ rừng và bảo vệ được rừng. Kết luận 65 của Bộ Chính trị triển khai Nghị quyết 24 về công tác dân tộc cũng chỉ rõ phải xây dựng chính sách để đổi mới công tác bảo vệ rừng, nâng định mức rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho người dân ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, đến hiện nay, việc sửa Nghị định 75 còn rất chậm, dẫn đến nguồn vốn không được thống nhất, chỗ thì lấy từ tiền khoán bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, chỗ thì bố trí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và một số từ phần hành chính sự nghiệp bên ngoài.

Trước bất cập trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần phải đưa thành một nguồn vốn sự nghiệp. Về định mức cũng phải nâng lên, mà trên thực tế hiện nay người dân phải qua một công đoạn nữa là khâu thuê lại, khoán lại từ các vườn quốc gia và các khu bảo tồn, tổ chức lâm nghiệp khác. Cho nên, nguồn định mức đến trực tiếp người dân còn được rất ít. Đại biểu đề nghị nội dung chính sách này phải được làm rõ.

Sẽ đẩy mạnh phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ cacbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Trao đổi với đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, khi xây dựng dự thảo nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ đã trình Chính phủ mức là 1,1 -1,3 triệu, căn cứ trên đơn giá định mức. Nhưng do nguồn lực hạn chế, nên con số dừng lại là từ 400 – 600 ngàn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đại biểu tiếp cận vấn đề này ở một khía cạnh khác, ngoài kinh phí bảo vệ rừng, cần tạo ra sinh kế dưới tán rừng để cộng đồng bảo vệ rừng, ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm có nhiều việc làm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ cacbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng…

"Chúng ta cần có cách tiếp cận tổng hợp, tạo ra nhiều việc làm, sinh kế để bù vào công sức bỏ ra bảo vệ rừng, để công tác bảo vệ rừng được thực hiện toàn diện hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

L.U
Ý kiến của bạn