Sẽ cưỡng chế các đối tượng không tuân thủ cách ly y tế

12-03-2020 21:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Để kiểm soát các ca mắc, Bộ Y tế nhấn mạnh đến vấn đề cách ly và coi đó là biện pháp quan trọng giúp khống chế dịch, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có một số trường hợp cá biệt tuy đã được xác định thuộc đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh và bắt buộc phải cách ly nhưng vẫn không tuân thủ quy định này.

Thông tin cho biết, trên địa bàn một quận ở Hà Nội có trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân  (BN) theo quy định phải đi cách ly tập trung nhưng trường hợp này không chấp hành. Cơ quan chức năng và chuyên môn ở đây cho biết, việc vận động tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn do người dân không hợp tác. Trong khi đó, theo Bộ Y tế, việc cách ly không chỉ giúp bảo vệ và chăm sóc y tế kịp thời cho người cách ly mà còn bảo vệ gia đình, người thân của họ và cả cộng đồng trước mối lo ngại của dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, với đối tượng tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì bắt buộc phải chuyển đến cách ly tại bệnh viện (BV). Trên địa bàn Hà Nội, các BV được Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, điều trị và quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi có người nghi ngờ mắc COVID-19 gồm: BVĐK Đống Đa, BVĐK Thanh Nhàn, BVĐK Đức Giang, BVĐK Xanh Pôn, BV Bắc Thăng Long, BVĐK Hà Đông. Người dân có thể đến BV gần và thuận tiện nhất để được áp dụng biện pháp cách ly y tế.

Trong trường hợp có ca bệnh diễn biến nặng vượt quá khả năng chuyên môn sẽ chuyển BN tới tuyến cuối theo phân tuyến của Bộ Y tế; hoặc báo cáo Bộ Y tế để điều động đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 hỗ trợ. Mở rộng khu vực cách ly theo từng cấp độ dịch... Chính vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm cách ly.

Miễn chi phí cho người đi cách ly tập trung

Hiện nay, các chính sách với người cách ly của Việt Nam được đánh giá là rất tốt. Trong khi ở các quốc gia khác, người cách ly phải chi trả một khoản chi phí y tế khá tốn kém, thì tại Việt Nam, chi phí điều trị BN nhiễm COVID-19 tại BV do BHYT chi trả và miễn chi phí cho người đi cách ly tập trung. Đối với khu vực bị phong tỏa, kinh phí từ ngân sách nhà nước giúp cung cấp thực phẩm miễn phí (như tại Hà Nội). Điều này được dư luận hết sức đồng tình ủng hộ.

Ứng phó với tình hình dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có tờ trình khẩn gửi UBND TP. Hà Nội về việc hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế (CLYT), cưỡng chế CLYT. Theo đó, đối với các trường hợp cơ sở CLYT (không phải là nhà, nơi cư trú) đã bố trí cung cấp suất ăn cho người bị CLYT, cưỡng chế CLYT thì không thu tiền của người bị cách ly. Tiền ăn đã thanh toán sẽ được ngân sách thành phố bố trí theo thực tế đã phát sinh, tối đa không quá 80.000đ/người/ngày. Trong trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã bố trí kinh phí, ngân sách thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.

Trong thời gian từ nay đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị CLYT, cưỡng chế CLYT trên cơ sở công văn đề nghị của Bộ Y tế, liên Sở: Y tế, Tài chính đề xuất UBND TP cho phép các cơ sở CLYT cung cấp suất ăn miễn phí cho người bị cách ly. Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian cách ly, đối tượng được hưởng là người Việt Nam, người nước ngoài bị áp dụng CLYT, cưỡng chế CLYT tại các cơ sở cách ly.

Nguồn kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp. Cơ sở được giao nhiệm vụ CLYT có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị cách ly.

Cưỡng chế CLYT nếu không tuân thủ

Rõ ràng, chính sách của Nhà nước ta đối với người đi cách ly y tế có nhiều ưu việt. Điều này sẽ giúp chúng ta kịp thời phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, tiến tới dập tắt dịch bệnh này. Tuy nhiên, việc cách ly còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự nguyện cách ly của người dân, ý thức với chính bản thân mình, với gia đình và cộng đồng xung quanh. Trên thực tế, COVID-19 là bệnh lây truyền, một khi không có ý thức phòng bệnh và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, trong đó có việc cách ly y tế là việc làm vô trách nhiệm và đáng lên án.

Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp CLYT, cưỡng chế CLYT và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch cũng đã quy định rõ ràng: Với các đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp CLYT nhưng không tuân thủ yêu cầu CLYT thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.

Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã yêu cầu ngành công an phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly theo quy định.

Và nói như PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, CLYT là đặc biệt quan trọng, điều này thể hiện sự dũng cảm và trách nhiệm với bản thân mình, với người thân và với cả đất nước.


Phạm Hiệp
Ý kiến của bạn