Hà Nội

Sẽ có thuốc kháng virus chặn đứng bệnh sởi?

20-04-2014 09:24 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi bị nhiễm virus thì có rất ít thuốc điều trị tương tự như thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn. Có một loại thuốc mới hứa hẹn điều trị được cả bệnh sởi.

Hiện nay chỉ có một cách hiệu quả chống lại phần lớn các virus: tiêm vắc xin trước khi bị nhiễm. Khi bị nhiễm virus thì có rất ít thuốc điều trị tương tự như thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn. Có một loại thuốc mới hứa hẹn điều trị được cả sởi.

Không phải là quá sớm. Các nhà dịch tễ học đã mơ đến chuyện thanh toán bệnh sởi. Nhưng ngay cả khi vắc xin có tác dụng tốt thì các trường hợp sởi vẫn ngày một tăng ở những nước giàu có bởi vì các bậc cha mẹ từ chối tiêm vắc xin cho con cái họ do những cáo buộc không đúng rằng vắc xin gây hại cho con họ.

Virus sởi lây nhiễm rất cao, nhưng hiếm khi gây chết người. Ảnh: Pasieka/Science PhotoLibrary

Hơn nữa, trong tuần này, lần đầu tiên có báo cáo về một người đã được tiêm vắc xin vẫn có thể làm lan truyền virus sởi. Nhân viên Y tế Công cộng của thành phố New York đã phát hiện trường hợp này và suy luận rằng đó có thể là do cuộc chiến chống sởi đã quá hiệu quả. Những người có miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin chứ không bị bệnh có thể vẫn cần định kỳ tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Khi sởi phổ biến thì việc tiếp xúc với các trường hợp bệnh đóng vai trò như mũi tiêm nhắc lại – nhưng nay thì bệnh sởi khá hiếm.

Thuốc kháng virus sởi có thể giúp đối phó với cả hai vấn đề khi ngăn chặn virus phát tán xa trong vụ dịch, cả trong những trường hợp chưa tiêm vắc xin cũng như khi vắc xin thất bại.

Không tiêu diệt

Giờ đây thuốc như vậy có thể trong tầm tay. Nó có tên khó nhớ là ERDRP-0519 và được khám phá vào năm 2007 nhờ Richard Plemper và đồng nghiệp tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia. Nhóm nghiên cứu đã sàng lọc 34.000 hợp chất để tìm hoạt tính kháng sởi thông qua sử dụng hệ thống tự động trong đó tế bào nuôi cấy có virus nhân lên sẽ phát sáng. Do virus không có hoạt động sống nên thuốc kháng virus không nhằm mục đích tiêu diệt mà chỉ ngăn chặn sự nhân lên.

ERDRP-0519 đã làm được điều đó bằng cách ngăn chặn ARN polymerase của sởi. Đây là một enzym quan trọng cho sự nhân lên. Bước tiếp theo là thử xem thuốc có tác dụng khi nhiễm thực sự không. Bởi vì chỉ có các loài động vật linh trưởng mới bị sởi nên các nhà nghiên cứu đã thử trước trên một loại virus tương tự gây bệnh Carré có thể khiến cho chồn sương chết.

Cho chồn sương uống trong 2 tuần kể từ 1 ngày trước, hoặc 3 ngày sau khi gây nhiễm bệnh Carré. Những con chồn không dùng thuốc thì chết. Những con chồn được dùng thuốc 3 ngày sau thì sống – và thậm chí sinh đủ miễn dịch chống lại virus khiến cho chúng hoàn toàn được bảo vệ khi gây nhiễm lần thứ hai.

Nhưng những con chồn được dùng thuốc ngay trước khi nhiễm virus thì chết vì bệnh Carré 2 tuần sau khi dừng thuốc, và không bao giờ có được miễn dịch. Kiểm tra các phản ứng miễn dịch của chúng cho thấy rằng thuốc đã ngăn chặn hoàn toàn sự nhân lên của virus đến mức chồn không thể sinh được miễn dịch với virus.

Hậu quả là chồn dễ bị tổn thương do virus còn lại tăng sinh trở lại ngay sau khi ngừng điều trị.

Điểm quan trọng

Vì vậy, để có tác dụng trên người, thuốc sẽ phải dùng cho ai đó đã phơi nhiễm, nhưng chưa khởi phát triệu chứng. Thời gian này có thể kéo dài đến 2 tuần, nên sẽ có thời gian để điều trị cho tất cả những ai đã tiếp xúc với người bệnh sởi. Theo Plemper, sau khi xuất hiện triệu chứng, dù sao thì virus sởi cũng đã ngừng nhân lên, nên việc tiếp tục ngăn chặn sự nhân lên sẽ ít có hiệu quả.

“Tiếp theo chúng tôi sẽ thử nghiệm xem có thể bắt đầu điều trị ở thời điểm muộn nhất sau nhiễm bao nhiêu lâu”, Plemper nói. Họ cũng sẽ thử nghiệm thuốc để điều trị sởi thực sự trên khỉ sóc. Plemper hy vọng việc sử dụng thuốc trước khi nhiễm trong bệnh sởi sẽ có ích hơn so với trong bệnh Carré, vì sởi là bệnh nhẹ hơn và có lẽ chỉ cần làm yếu virus một chút cũng đủ tốt rồi.

Một vấn đề khác có thể xảy ra với thuốc kháng virus sởi là nó có thể dẫn đến xuất hiện virus sởi đột biến đề kháng với thuốc này, giống như vi khuẩn có thể trở thành đề kháng với kháng sinh. Cơn ác mộng đó sẽ đến nếu những chủng đột biến này xảy ra và có độc lực hơn bệnh sởi, một căn bệnh rất dễ lây nhưng nó thường không gây tử vong. Việc cho ra đời một virus sởi ác tính hơn có thể còn tồi tệ hơn việc không bao giờ dùng đến thuốc này.

Vì vậy nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thuốc chống lại virus sởi này trong môi trường nuôi cấy, và thấy thực ra nó đã tạo được những đột biến kháng thuốc – nhưng tất cả các virus đột biến lại ít có khả năng lây truyền hoặc ít độc lực hơn so với sởi tự nhiên. Điều này có lẽ chưa đủ để làm giảm bớt những lo ngại của nhân viên y tế. Các đột biến của virus cúm đề kháng với thuốc kháng virus Tamiflu dường như đều không đáng sợ qua các xét nghiệm tương tự - cho đến năm 2007, khi một đột biến kháng thuốc đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong một chủng cúm.

Theo dõi kháng thuốc

Theo Plemper, bất cứ khi nào dùng thuốc cũng đều phải đi kèm với việc theo dõi nghiêm ngặt các chủng kháng thuốc. Điều đáng khích lệ là tất cả những điểm mà gen đột biến tạo ra sự kháng thuốc lại thường không đột biến ở virus sởi hoang dã, gợi ý rằng virus cần giữ những gen đó không đổi.

Một vấn đề khác có thể xảy ra là khả năng sẵn có một loại thuốc kháng virus có thể tiếp tục khuyến khích người dân từ chối tiêm vắc xin khi thấy bệnh sởi dường như ít nguy hiểm. Điều này làm phá sản toàn bộ, Plemper nói. “Việc thanh toán sởi trong tương lai phải nhờ vắc xin”, ông nói. “Chúng tôi phát triển loại thuốc này để nhanh chóng dập tắt các vụ dịch cục bộ trong những quần thể có độ bao phủ tiêm chủng cao”.

Bằng cách đó, thuốc có thể tác dụng hợp lực với vắc xin, lấp những khoảng trống của độ bao phủ vắc xin và có thêm hy vọng một ngày nào đó thanh toán sởi. “Khi dùng kết hợp, một ngày nào đó các biện pháp này sẽ thành công trong việc thanh toán hoàn toàn bệnh sởi”, ông nói.

Theo ThS. BS. Nguyễn Quốc Thái/ Bác sĩ nội trú

 

 

Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)
Sởi và cách phòng chống

Ý kiến của bạn