Sẽ có quy định Văn phòng kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc

07-06-2019 19:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Với 258/429 đại biểu đồng ý (chiếm 53,31%), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật Kiến trúc.

Ngày 7/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử về quy định Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật Kiến trúc.

Do còn các ý kiến khác nhau về phương án có hay không quy định Văn phòng kiến trúc sư tại Điều 33 của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này tại dự thảo Luật theo hai phương án:

Phương án 1:  Có quy định Văn phòng kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc.

Phương án 2:  Không quy định Văn phòng kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc.

Trước đó tại phiên họp toàn thể hội trường ngày 21/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lý giải, có ý kiến cho rằng mô hình Văn phòng kiến trúc sư đang tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, khuyến khích sự sáng tạo của kiến trúc sư.

Giới kiến trúc sư Việt Nam đề nghị có quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật nhằm cổ vũ tinh thần và động lực sáng tạo cho kiến trúc sư hành nghề. Do đó, để tạo tâm lý bình đẳng trong hợp tác, hội nhập với các nước thì cần quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung dự thảo Luật Kiến trúc bằng hệ thống điện tử tại phiên họp.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến kiến nghị không nhất thiết quy định Văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật vì cho rằng đây chỉ là tên gọi của tổ chức hành nghề cung cấp dịch vụ kiến trúc. Theo pháp luật hiện hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ kiến trúc hoàn toàn có thể được thành lập, đặt tên gọi và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, để quy định về mô hình dịch vụ kinh doanh mới cần có sự đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực tiễn về hoạt động và tác động chính sách khi quy định về mô hình này.

Thảo luận về nội dung này tại hội trường vẫn còn hai loại ý kiến nhau. Có ý kiến lựa chọn không quy định Văn phòng kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc vì phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đa số ý kiến tán thành với việc quy định Văn phòng kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc vì sẽ tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho các cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề kiến trúc, hành nghề hoạt động, thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nghề nghiệp, tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác, hội nhập với các nước trong hoạt động kiến trúc khi nhiều nước đã có hình thức văn phòng kiến trúc sư.

Theo đó cần bổ sung những quy định khung về hình thức, tổ chức hành nghề kiến trúc sư là văn phòng kiến trúc sư như điều kiện thành lập, hoạt động, việc chấm dứt, thu hồi giấy phép hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp chấm dứt hoạt động hành nghề để làm cơ sở giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.

Lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định văn phòng kiến trúc sư trong dự thảo Luật.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn