Hà Nội

Sẽ có môn Lịch sử riêng

09-12-2015 14:54 | Thời sự
google news

Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thống nhất sẽ có môn Lịch sử riêng, môn Địa lý riêng và phần kiến thức chung liên quan chặt chẽ giữa 2 môn thì thiết kế thành các chuyên đề tích hợp”.

Ông Chuẩn cho hay, tại cuộc họp ở Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 7/12 vừa qua, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đều thống nhất phải coi trọng giáo dục lịch sử nói chung, môn học Lịch sử nói riêng; coi trọng giáo dục tích hợp và đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, làm cho môn Lịch sử có được hứng thú từ học sinh và đảm bảo yêu cầu giáo dục nhân cách công dân của môn học này.

Cả hai bên đã thống nhất dạy học lịch sử ở tiểu học như trong dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể. Ở THCS thì đã hình dung rõ hơn cách thức tích hợp ở mức thấp 2 môn Lịch sử và Địa lý nhưng không lấy tên gọi là môn Khoa học xã hội như dự thảo chương trình mà sẽ thảo luận tiếp để có tên môn học phù hợp nhất.

“Sẽ có môn Lịch sử riêng, môn Địa lý riêng và phần kiến thức chung liên quan chặt chẽ giữa 2 môn thì thiết kế thành các chuyên đề tích hợp” - ông Chuẩn cho biết.

Cũng theo ông Chuẩn, theo như hướng đặt ra thì có thể hình dung là sẽ có hai hình tròn riêng là biểu tượng cho 2 môn, hai hình tròn đó có phần trùng nhau là phần của các chuyên đề tích hợp. Sẽ có 2 phương án để đặt tên môn học: Nếu để riêng rẽ thì phải có 3 tên là Lịch sử, Địa lý và 1 tên mới cho phần trùng nhau (hiện chưa biết đặt tên là gì) và phải có 3 quyển sách giáo khoa tương ứng; Nếu gọi bằng 1 tên là môn học Lịch sử và Địa lý thì chỉ cần 1 quyển sách giáo khoa. Hiện nay trong các trường của mô hình trường học mới đang áp dụng phương án 2 thấy rất ổn.

Ở THPT, tất cả học sinh đều phải học Lịch sử bắt buộc, sẽ không tích hợp Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc, Bộ sẽ xem xét để có môn học Giáo dục công dân.

Tại cuộc họp này, một đồng chí Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tán thành như vậy và sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đã gợi ý môn Sử là bắt buộc với tất các học sinh nhưng nên có phân hoá thành 2 nhóm để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp: có môn Sử 1 (tạm đặt tên như vậy) dành cho những học sinh định hướng về khoa học xã hội và nhân văn, môn này phải có yêu cầu cao để đáp ứng yêu cầu học lên và nghề nghiệp sau này; môn Sử 2 (tạm đặt tên) dành cho những học sinh còn lại, có yêu cầu nhẹ hơn môn Sử 1, nhằm phù hợp với yêu cầu học lên và nghề nghiệp sau này không làm việc trực tiếp với Khoa học xã hội, mặt khác cũng cần xử lý môn Sử 2 trong mối quan hệ với môn Địa lý tương tự như ở cấp THCS. Cả môn Sử 1 và môn Sử 2 đều phải xây dựng nội dung nâng cao trên cơ sở học sinh đã học kiến thức nền tảng về lịch sử ở THCS.

“Trên cơ sở các vấn đề đã thống nhất, Bộ và Hội sẽ tiếp tục trao đổi để có phương án tốt nhất cho môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông, góp phần thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông” – ông Chuẩn nói.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)


Ý kiến của bạn