Hà Nội

Sẽ có liên thông BHYT với bảo hiểm thương mại?

08-07-2019 11:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Chia sẻ thông tin với báo giới, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nhu cầu được cung cấp các dịch vụ y tế cao cấp và chuyên sâu của người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là điều chính đáng.

Thực tế cho thấy, nhiều người tham gia BHYT đang có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu...

Tuy nhiên, gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT hiện chưa có quy định chi trả các dịch vụ như khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục, chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (ngoại trừ cấp huyện)... Trong khi đó, với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, bảo hiểm y tế thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng.

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm luôn được quan tâm mở rộng.

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm luôn được quan tâm mở rộng.

Theo ông Phạm Lương Sơn, đây là sự khác biệt nhưng ở góc độ khác sẽ cho thấy sự tương hỗ trong chi trả quyền lợi người tham gia, nếu thực hiện được sự liên thông BHYT và bảo hiểm thương mại. “Việc liên thông giữa BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ giúp người dân có được những gói dịch vụ y tế đa dạng với quyền lợi hưởng cao nhất”, ông Phạm Lương Sơn nói.

Nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cao nhất của người tham gia khi khám chữa bệnh, bên cạnh việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang nghiên cứu các gói dịch vụ y tế bổ sung với mức giá khác nhau nhằm đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của người tham gia. Điều này cho phép người dân khi tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc và các loại hình thương mại khác vẫn cùng lúc được cộng hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện theo mức đáp ứng quyền lợi cao nhất.

Bên cạnh chủ trương như trên, việc thực hiện liên thông sẽ cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo quyền lợi của bên tham gia.

Phân tích thêm, ông Phạm Lương Sơn cho biết, về cơ bản, người tham gia bảo hiểm thương mại đóng 1 triệu đồng thì sẽ có quyền lợi tương ứng tối đa với 1 triệu đồng. Nhưng với BHYT, người bệnh đóng 100.000 đồng nhưng mức hưởng thì lại tuỳ thuộc tình trạng bệnh. Vấn đề cần nghiên cứu ở đây là làm sao tránh sự chồng chéo vì khi đã có một bên chỉ trả thì bên kia không thể chi trả...

Bên cạnh đó, hệ thống BHYT và bảo hiểm thương mại đang hoạt động độc lập. Nếu duy trì một loại chứng từ, việc thanh toán sẽ triển khai ra sao khi cả hai bên đều cần chứng từ? “Để làm được điều nay, BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ cần thời gian để nghiên cứu sự thống nhất quy trình việc phân cấp, phân lớp thanh toán và trao đổi thông tin đầy đủ quyền lợi nhằm đảm bảo người bệnh được hưởng những quyền lợi cao nhất, từ đó có các quy định liên thông giữa hai bên nhằm giúp người bệnh có thể thụ hưởng quyền lợi cao nhất”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.

BHYT thương mại sẽ tham gia BHYT xã hội như thế nào?

Theo ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế: Các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh, Trung ương. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường. “Khi có 2 nguồn BHYT Nhà nước và BHYT thương mại (nguồn BHYT công - tư) sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Vì thế, điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn”, TS. Lê Văn Khảm nói.

Ông Khảm dẫn chứng, hiện nay, trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung. Ở Úc, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân nên các tổ chức thương mại tham gia lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, các gói sản phẩm theo yêu cầu.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn