Vụ Sức khỏe – Bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho người khuyết tật. Hiện khâu xây dựng nội dung đã hoàn thiện, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã trình lãnh đạo Bộ Y tế để ban hành Hướng dẫn trong thời gian tới.
Hướng dẫn dựa trên nguyên tắc quyền của người khuyết tật và những quy định luật pháp/chính sách về chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật có thể áp dụng trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; tầm quan trọng, những nguyên tắc và thái độ phù hợp trong thực hiện cung cấp dịch vụ…
Bên cạnh các khiếm khuyết về thể chất, tinh thần, trí tuệ và các giác quan, những người khuyết tật thường bị phân biệt đối xử, kỳ thị, bạo lực và thường sống trong tình cảnh đói nghèo. Những người khuyết tật, nhất là phụ nữ khuyết tật cũng có nhu cầu tình dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản, và những nhu cầu chính đáng này của họ cần được đáp ứng.
Phụ nữ được bình đẳng trong việc hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc lựa chọn và quyết định các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đảm bảo cho phụ nữ thực hiện các dịch vụ thích hợp liên quan đến việc thai nghén, sinh đẻ và thời gian sau sinh đẻ; cung cấp các dịch vụ không phải trả tiền nếu cần thiết, đảm bảo dinh dưỡng thích hợp cho phụ nữ trong thời gian mang thai
Người khuyết tật đã được nhà nước, cộng đồng và xã hội quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tình dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản của người khuyết tật nhất là phụ nữ khuyết tật thường gặp những rào cản. Những rào cản đó có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như sự quan tâm của cộng đồng chưa thỏa đáng hay là dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa phù hợp với người khuyết tật, nhất là phụ nữ khuyết tật.
Phổ cập tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản (SKTD&SKSS) là quyền con người, và là một cấu phần quan trọng để cứu sống nhiều phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Đó là cốt lõi của phát triển bền vững.
Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) được tổ chức năm 1994 tại Cairo đã khẳng định mọi người đều có quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ SKTD&SKSS, đồng thời kêu gọi các quốc gia phổ cập tiếp cận dịch vụ SKTD&SKSS cho toàn dân. Lĩnh vực này bao gồm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV và HPV, và chăm sóc SKTD&SKSS cho thanh thiếu niên.
Mặc dù Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện tình trạng SKTD&SKSS của người dân trong những thập kỷ qua, và nổi trội hơn cả là Việt Nam là một trong 6 quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ, một trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), vào năm 2015, nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức, sự chênh lệch, thậm chí là các vấn đề liên quan đến SKTD&SKSS và quyền cần được giải quyết để đảm bảo mọi người đều được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc SKTD&SKSS và quyền tốt hơn và để đóng góp nào những nỗ lực chung nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Trước đây vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục luôn là một vấn đề nhạy cảm không chỉ đối với người khuyết tật mà còn đối với cả người dân Việt Nam nói chung, tuy nhiên vấn đề này những năm gần đây cũng đã "thoáng" hơn rất nhiều và người khuyết tật cũng đã chủ động tiếp cận nhiều hơn.
Những sự chênh lệch về nhận thức, khả năng tiếp cận đến vấn đề và phân tích những rào cản đối với sức khỏe sinh sản, tình dục của người khuyết tật như hạn chế tiếp cận thông tin, rào cản về đói nghèo, nhu cầu và rào cản đối với từng dạng khuyết tật… đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục đối với nam giới không kém phần quan trọng so với nữ giới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh nhân hiểm nghèo | SKĐS