Hà Nội

Sẽ có cuộc chiến thương mại mới giữa Trung Quốc và EU?

18-08-2016 10:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trung Quốc hôm 17/8 đã bác bỏ việc đang dấy lên một cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu (EU) dù nước ngày lo ngại về xu hướng bảo hộ thương mại tại khối này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nguy cơ trên là có thực.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh, cuối tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu tuyên bố, bắt đầu từ tháng 8 sẽ áp mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, hôm 4/8, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga, sau khi các nhà sản xuất trong khối này khiếu nại họ đã bị đánh bật khỏi thị trường.

"Sau cuộc khủng hoảng dư thừa năng lực sản xuất thép toàn cầu, Ủy ban châu Âu (EC) đang áp dụng các công cụ bảo hộ thương mại nhằm tái lập một sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất của EU và nước ngoài", tuyên bố của EU nhấn mạnh. Theo EU, các mức thuế chống bán phá giá vốn đã được công bố tạm thời hồi tháng 2/2016 nói trên sẽ được áp dụng trong 5 năm, giữa lúc liên minh này đang tìm cách đối phó với tình trạng dư thừa thép toàn cầu, chủ yếu do sản lượng lớn của Trung Quốc. EU cũng cho biết họ có hơn 100 biện pháp bảo hộ thương mại và 37 trong số đó nhằm vào những sản phẩm thép nhập khẩu không công bằng với 15 sản phẩm đến từ Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cho rằng lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc đang gây bất ổn trên thị trường thép châu Âu và đây là điều bất lợi cho kinh tế châu Âu vốn đang ngấp nghé bên bờ vực suy thoái.

Cuoc-chien-thuong-mai-Trung-Quoc-EU

Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói rằng sản lượng thép dư thừa 600 triệu tấn của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thép trên thế giới và đó là lý do tại sao một số quốc gia và khu vực đã quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Sự "khuất tất" của Trung quốc

Sau những động thái từ châu Âu, người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc Thẩm Đơn Dương cho biết các sản phẩm thép của Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 5% trên thị trường Liên minh châu Âu, vì thế nó không tác động đến ngành công nghiệp thép tại khu vực này. Ông này cho rằng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề không phải là thương mại, mà là do khủng hoảng kinh tế. EU cần phân tích tình hình một cách sáng suốt và tìm ra con đường đúng để giải quyết cuộc khủng hoảng thép một cách tích cực.

Cuoc-chien-thuong-mai-Trung-Quoc-EU-1

Người dân EU biểu tình "nói không" với thép Trung quốc

Tranh cãi EU-Trung quốc trước đó cũng đã làm "nóng" tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 18 vừa diễn ra cuối tháng 7 ở Bắc Kinh. Reuters dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc luôn tuân thủ các cam kết của mình về cải cách và đang áp dụng các biện pháp mạnh nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, phía EU cho rằng Trung quốc luôn "chỉ nói mà không làm".  Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đã thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc nên dỡ bỏ các rào cản và cải thiện về mặt pháp lý, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc từ lâu phản ánh những hạn chế, gây khó khăn cho họ khi cạnh tranh với các đối thủ trong nước.

"Việc dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc không được phép làm tổn hại đến quan hệ với EU", ông Jean Claude Juncker nhấn mạnh. Về phần mình, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström nhấn mạnh tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong ngành thép gây ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa lao động Trung Quốc và châu Âu. Với sản lượng thép hằng năm gần như gấp đôi của EU, Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh khác cáo buộc Trung quốc luôn cạnh tranh không công bằng.

Sự "khuất tất" của Trung quốc cũng đã buộc nhiều thành viên EU khác phải điều chỉnh chính sách với Trung quốc. Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) mới đây bình luận quyết định hoãn tham gia dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point vốn đầu tư khủng từ Trung quốc, là dấu hiệu chứng tỏ Chính phủ Anh dưới thời nữ Thủ tướng Theresa May (Thơ-rét-xa Mây) sẽ điều chỉnh chính sách thu hút vốn đầu tư từ Bắc Kinh. Dự án với số vốn đầu tư 18 tỷ bảng này do tập đoàn năng lượng EDF của Pháp làm chủ đầu tư với 1/3 nguồn vốn được phía Trung Quốc cung cấp.

Chắc chắn, tranh cãi thương mại EU-Trung quốc cũng sẽ được đề cập trong cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung quốc đầu tháng 9 tới. Theo nghiên cứu của ngân hàng ANZ, triển vọng kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm nay sẽ gặp khó khăn. Năm 2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm.

Không chỉ có EU, lo ngại về đầu tư thương mại Trung quốc cũng tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Israel. Tờ báo La Croix (Pháp) hôm 16/8 có bài viết “Giới doanh nghiệp Israel lo ngại về làn sóng đầu tư Trung quốc" cho biết năm 2015, các công ty Trung Quốc đầu tư  2,7 tỷ € vào  Israel. Người Trung Quốc đã mua cổ phần tại 80% công ty của Israel. Năm 2015 cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng khách du lịch Trung quốc vào Israel. La Croix dẫn ý kiến của các nhà phân tích kinh tế Israel lo ngại “mặt trái” của làn sóng đầu tư Trung quốc, đó là tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng nhanh va sự thiếu bền vững của dòng vốn Trung quốc. La Croix dẫn cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết nợ xấu của Trung quốc chiếm 5,5% tổng dư nợ nước này, nhưng con số này có thể lên đến 15,5%, “và đó thực sự là một nguy cơ” đối với nền kinh tế Israel và các nước khác.


N.Minh
Ý kiến của bạn