Sẽ có con đường mang tên Lộng Chương

09-07-2013 14:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ngày nay, nhắc đến nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương - những người được làm việc cùng ông và cả những học trò của ông đều dành cho ông những tình cảm trân trọng, yêu quý.

Ngày nay, nhắc đến nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương - những người được làm việc cùng ông và cả những học trò của ông đều dành cho ông những tình cảm trân trọng, yêu quý. Những cống hiến của ông cho sân khấu cách mạng và đương đại Việt Nam (VN) đã được tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Vừa qua, Hội Nhà văn VN và Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông (2003 - 2013).

Sẽ có con đường mang tên Lộng Chương 1
 Nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương.
Tên cha sinh mẹ đẻ của ông là Phạm Văn Hiền (1918), Lộng Chương là bút danh của ông. Khi còn là cậu bé 5, 6 tuổi ông đã được ngồi ở hố nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội xem bác ruột diễn hài kịch Molie để rồi sân khấu nhiễm vào máu mình lúc nào không hay. Thế nhưng cuộc đời mỗi người nhiều khi có những khúc quanh chẳng tính trước được. Khởi đầu ông học ngành hóa chất - cái ngành chẳng liên quan gì đến nghệ thuật và văn chương. Sau đó, chàng trai Phạm Văn Hiền đến với văn chương rất sớm, bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng ngay tiểu thuyết Hầu thánh chứ không phải bằng những truyện ngắn như nhiều người khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN nhận xét, đó là một người kỳ tài. Nhưng có lẽ duyên nợ với sân khấu chẳng buông tha ông nên rất tự nhiên, sau đó ông đã dấn thân vào chốn kịch trường như một tất yếu, không thể khác. Sân khấu đã là môi trường suốt đời ông theo đuổi như một lẽ sống.

Đến với sân khấu, ông tả xung hữu đột ở nhiều lĩnh vực: khi là diễn viên, khi là đạo diễn, khi là người quản lý đoàn nghệ thuật, rồi có khi lại là người thầy truyền nghề cho thế hệ trẻ. Thế nhưng tên tuổi ông để lại dấu ấn sâu đậm nhất lại là ở tư cách nhà viết kịch. Ông ưa lối viết văn chương trào lộng. Có lẽ vậy mà ông lấy bút danh Lộng Chương. Ông đã chọn thể loại hài kịch để dâng hiến cuộc đời và sự nghiệp trên con đường nghệ thuật của mình. Giới sân khấu khi nhắc đến ông đều nhớ đến câu thơ nổi tiếng: Muôn thói đời tối đen phải lùi xa qua ngữ ngôn trào LỘNG/Một tâm hồn hiền hậu luôn đi đầu với đòn bút văn CHƯƠNG.

Chuyên chú theo phong cách đó, bằng nhiều vở kịch ngắn: Hỏi vợ, Yểm bùa, Mối lo của mụ Cửu, Ma hiện..., tiếp đó là những vở hài kịch dài: Quẫn, Quẫy, Cửa mở hé tên tuổi Lộng Chương được ghi nhận như một tác giả hài kịch nổi tiếng trong nền sân khấu VN hiện đại. Kịch hài của ông đem vào đời sống sân khấu những chuỗi cười sảng khoái, tự nhiên với nhiều cung bậc và sắc thái đa dạng.

“Làm sao cho kịch nói VN có sắc thái VN” là điều ông luôn trăn trở trong quá trình cầm bút và ông đã quyết định tìm đến chèo vì trong chèo ông bị hấp dẫn bởi “tính lạc quan đặc biệt qua cách trào lộng châm biếm mang tinh thần của những truyện tiếu lâm rất phổ biến trong nhân dân”. Với tiêu chí đó, ông đã đưa chèo vào kịch, hay nói một cách khác, ông là người chủ xướng thực hiện việc sáng tác kịch nói theo phong cách chèo. Đó chính là nét độc đáo trong hài kịch của tác giả Lộng Chương - tiếp nối truyền thống hề chèo với những biến đổi để thích ứng với thể loại kịch nói, từ đó mang được tính thời sự của hiện thực đương đại.

Trong lịch sử sân khấu VN hiện đại, nhắc đến tên tác giả Lộng Chương người ta không thể không nhắc kèm với tên những vở diễn được coi như đỉnh cao của dòng hài kịch VN hiện đại. Đó là vở Quẫn qua bàn tay dàn dựng tài ba của đạo diễn Trần Hoạt đã có đời sống với hơn 1.000 buổi diễn, rồi Cửa mở hé cũng có được hàng trăm buổi diễn đầy ắp người...

Nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương là người viết khỏe trên nhiều lĩnh vực với số lượng tác phẩm lớn. Thời chống Pháp: 17 vở kịch ngắn và dài, thời chống Mỹ và xây dựng CNXH: 43 vở kịch ngắn và dài. Ngoài ra, ông còn viết 9 tập truyện thơ và ca dao, 5 tập phóng sự kháng chiến, 7 bài tiểu luận, phê bình sân khấu, 29 bài báo về sân khấu. Với những cống hiến đa dạng và xuất sắc như vậy, tên tuổi của nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương đã góp phần làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc VN.

Để làm một việc thiết thực trong buổi lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của tác giả Lộng Chương, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đã nêu quyết tâm rằng, sẽ đề nghị với Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương quê hương ông đặt một con đường mang tên ông và cũng sẽ đề nghị với Thành ủy Hà Nội cho đặt một con đường mang tên Lộng Chương - nơi ông đã gắn bó cả cuộc đời sáng tác của mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.          
 
Lan Hương

Ý kiến của bạn