Sẻ chia lòng nhân ái

02-01-2018 07:07 | Y tế
google news

SKĐS - Thêm mỗi bệnh nhân vượt qua “lưỡi hái tử thần” là thêm niềm hạnh phúc bừng lên trong tâm trí những nữ tu mặc áo blouse ở Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa.

Được đào tạo bài bản thành những thầy thuốc, họ chọn con đường riêng là khát vọng cứu chữa, chăm sóc miễn phí cho các bệnh nhân chốn nhà thương.Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh (bên phải) đang chăm sóc bệnh nhân.

Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh (bên phải) đang chăm sóc bệnh nhân.

Dốc sức vì người dưng

Nhìn dáng sơ Nguyễn Thùy Duy Lam tất tả dời bệnh viện khi chiều đã nhá nhem, BS. Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cảm kích: Tất cả các sơ vào đây đều học ngành y cả. Sơ Lam tốt nghiệp Đại học Y. Có thêm những nhân viên y tế thiện nguyện đặc biệt này, bệnh nhân được trợ giúp rất nhiều. Sơ nào cũng làm việc tận tình và có tính kỷ luật, khoa học rất cao như thể người bệnh là người nhà của mình vậy. Chúng tôi vẫn thường động viên và bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức và được các sơ lĩnh hội rất nhanh chóng. Tại bệnh viện thường xuyên có 4 đến 5 y sĩ - bác sĩ, điều dưỡng là sơ từ các nhà dòng tự nguyện đến làm việc không lương.

Bước ra từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, vừa quẹt vội mồ hôi, sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh vừa ăn vội bữa cơm trưa và chia sẻ: Ở đây chúng tôi phải tiết kiệm từng phút vì cứ nhìn cảnh nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân nặng đang thiếu người chăm sóc mà mình lại lãng phí thời gian thì lòng day dứt lắm. Hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng là sơ ở đây đến từ Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang. Cách đây mấy năm, trong một lần vào viện chăm người quen tôi thấy các bác sĩ rất vất vả, có lúc bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân lại không có người thân nên quyết định đi học ngành y và xin với Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang được vào đây phục vụ miễn phí. Ban ngày thì làm việc ở viện, ban đêm thì về thăm khám bệnh cho những người trong đạo của mình hoặc những người ở các nhà thờ. Có ngày từ sáng đến đêm thay băng, hút đờm, xử lý thuốc, tắm rửa được cho nhiều bệnh nhân nặng xong thấy mọi nhọc nhằn của mình như tan biến vì nhìn lại một ngày trôi qua thật nhiều ý nghĩa.Nhiều bệnh nhân nặng được nhân viên y tế là các sơ giúp đỡ dần bình phục.

Nhiều bệnh nhân nặng được nhân viên y tế là các sơ giúp đỡ dần bình phục.

Hơn hai năm chăm chút hàng ngàn người bệnh, phụ các bác sĩ mổ cấp cứu, có những đêm trăn trở không ngủ được, sơ Khánh lại bật dậy vào viện với bệnh nhân, nhất là những ngày mới vào nghề. Sơ Khánh bộc bạch rằng, biết là ở viện thì luôn có đủ nhân viên y tế túc trực nhưng trong lòng mình có những sự thôi thúc kỳ lạ với câu hỏi không biết bây giờ bệnh nhân hồi chiều ra sao? Thế là lại vào viện thăm một vòng rồi quay về chợp mắt.

Sức khỏe thân thể như được nâng lên bởi sự thôi thúc từ tinh thần. Những lúc bình thường, sơ Trần Ngọc Quế Thanh cũng phải ngỡ ngàng với chính mình. Sơ Thanh kể rằng: Hồi mới bước vào ngành y, thân hình tôi nhỏ thó thế nhưng có bệnh nhân nặng gấp đôi mình tôi vẫn dìu đỡ họ, giúp họ tắm và thay đồ dễ dàng. Vừa dìu bệnh nhân, chân phải vừa bám chặt nền nhà, lúc đó trong lòng tự nhủ, ráng lên vì người bệnh. Có hôm thay băng, xoay lật bệnh nhân nặng đến rã rời đôi tay nhưng nhìn thấy họ tiến triển hơn là trong lòng lại thấy rộn rã niềm vui. Nhớ nhất đối với sơ Thanh là ngay trong ngày đầu tiên vào nghề đã tiếp cận hai người tai biến nặng, lại suy tim, bị rách da nhiễm trùng đến hoại tử, chỉ nằm liệt một chỗ, không có người thân chăm sóc. Khi vượt qua bạo bệnh, hai bệnh nhân này đã níu tay sơ Thanh cùng nhiều y tá của viện òa khóc vì cứ ngỡ mình đang mơ.

Lan tỏa điều cao đẹp

Hàng vạn tin nhắn, những lời cảm ơn được gửi đến các y, bác sĩ trong đó có các sơ đang làm việc thiện nguyện ở Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, lòng nhân ái như được nhân lên. Anh Lê Văn Nam (ở Khánh Bình, Khánh Vĩnh) xúc động kể rằng: Nhà nghèo lại ở vùng núi, đông con nên khi say xỉn, đi xe ẩu, bị tai nạn trọng thương đành phó mặc cho các nhân viên y tế. Ngoài nhân viên của bệnh viện, sơ Thanh là người hàng ngày đút cháo, rửa mắt, súc miệng, thay bông và động viên tinh thần tôi. Có lúc đầu óc đã tỉnh nhưng cơ thể không cử động được, nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Ngày ra viện tôi còn được các sơ cùng bệnh viện vận động hỗ trợ thêm tiền lộ phí, tiền về nhà bồi bổ thêm. Từ đó, tôi chăm chỉ làm ăn, không còn bê tha rượu chè nữa để khỏi hổ thẹn với những người đã cứu giúp mình.Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh (bên phải) là người tận tình với người bệnh.

Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh (bên phải) là người tận tình với người bệnh.

Cái nắm tay của bệnh nhân Trần Văn Linh (ở Cam Lâm) kéo dài hàng giờ đồng hồ cũng khiến sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh trào dâng nhiều nỗi niềm. Bị té ngã đa chấn thương lại nhồi máu cơ tim, con cái đi làm ăn xa không về kịp. Từ cấp cứu, tập vận động, tắm rửa đều do các nhân viên y tế làm, trong đó có các nhân viên là sơ. Sau hai tháng được chăm chút tận tình, ông Linh nắm chặt sơ Khánh nghẹn ngào nhắn nhủ: tôi cảm giác như mình có thêm một người ruột thịt nữa vậy. Từ đó, mỗi khi rảnh ông Linh lại vào viện thăm nhân viên y tế và động viên bệnh nhân nặng khác hãy luôn cháy bỏng khát vọng vượt qua bệnh tật.

Những ngày vào viện chăm người thân ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, chứng kiến những nữ tu khoác áo blouse làm việc thiện nguyện tận tình như những nhân viên y tế thực thụ, bà Nguyễn Thị Hậu cảm kích về nhà vận động nhiều mạnh thường quân hỗ trợ thêm vật chất lẫn các nhu yếu phẩm thông thường để hỗ trợ thêm cho các bệnh nhân nghèo, người neo đơn khi vào viện. Nhìn hàng chục bệnh nhân nặng đang phải thở ôxy, sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh tâm tình và ước vọng rằng: Ngày nào cũng gần gũi bệnh nhân nặng và coi họ như ruột thịt mới thấy cuộc sống có nhiều mong manh lắm nên điều đó càng nhắc nhở chúng ta cẩn thận hơn, nhân ái hơn, coi việc cứu giúp người hoạn nạn là nghĩa cử cần thiết vậy.Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh bên đề tài nghiên cứu cải tiến cách chăm sóc người bệnh nặng.

Sơ Nguyễn Thị Nhật Khánh bên đề tài nghiên cứu cải tiến cách chăm sóc người bệnh nặng.

Vơi bớt nhiều vất vả

BS. Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhìn nhận rằng: Không chỉ tận tình giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân mà các nhân viên y tế thiện nguyện là các sơ còn song hành và giúp các bác sĩ, y sĩ của viện rất nhiều trong quá chính cứu chữa bệnh nhân. Mỗi ngày trung bình ở đây cấp cứu gần 40 người, ai cũng bệnh nặng. Các nhân viên của viện cùng các sơ phải căng mình làm việc hết sức, có khi phải làm việc xuyên trưa rồi mới ăn cơm. Trình độ chuyên môn của các sơ cũng khá vững vàng nên bệnh viện rất an tâm. Nhiều kỹ thuật khó khi áp dụng vào thực tiễn còn bỡ ngỡ thì chúng tôi giúp các sơ làm tốt hơn. Các sơ làm việc không có bất kỳ khoản bồi dưỡng hay lương bổng gì nhưng trách nhiệm của họ không khác gì các nhân viên chính thức của bệnh viện cả. Điều dưỡng Nguyễn Thị Điệp bộc bạch rằng: Nhiều khi bệnh nhân nặng vào dồn dập, có thêm nhân viên y tế là các sơ chúng tôi được đỡ đần rất nhiều. Mấy tháng ròng chăm sóc mẹ tai biến, liệt toàn thân, chị Trần Thị Thêu xúc động cho biết: Giúp các bệnh nhân nặng, các bệnh nhân không có người thân xong các sơ lại quay sang giúp tôi tắm rửa cho mẹ mình và các sơ bảo họ làm công việc ấy đã quen nên sẽ làm tốt hơn. Theo Hội dòng mến Thánh giá Nha Trang thì: Rất nhiều sơ trong Hội dòng muốn xin đi học ngành y để giúp người miễn phí. Với ý nghĩ nhân văn ấy, Hội sẽ tạo mọi điều kiện ngay. Giúp đỡ người khác cũng là mang lại niềm an vui cho chính mình vậy.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn