Nâng cấp cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh sẽ tốn 1 khoản tiền 'khổng lồ'
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ (2 làn hoặc 4 làn xe không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục) đạt quy mô hoàn chỉnh.
Điều đáng nói là theo tính toán của Bộ GTVT, để nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ cần đến gần 500.000 tỷ đồng. Chính vì số tiền cần để nâng cấp đồng loạt các tuyến cao tốc là rất lớn nên Bộ GTVT cũng đề xuất một số nguyên tắc, tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư nâng cấp đường cao tốc theo 4 nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 55.318 tỷ đồng, gồm:
Cao tốc La Sơn - Hòa Liên đang khai thác 2 làn xe, để nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe cần khoảng 3.011 tỷ đồng; Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác 2 làn xe, để nâng cấp lên 4 làn xe cần khoảng 7.000 tỷ đồng; Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang khai thác 4 làn xe hạn chế, nâng lên quy mô 6 làn xe sẽ cần khoảng 1.995 tỷ đồng; Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang khai thác quy mô 4 làn xe hạn chế, nâng cấp đạt quy mô 6 làn xe, kết hợp nâng cấp đoạn TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe và Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang khai thác quy mô 2 làn xe, mở rộng đường lên 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 7.950 tỷ đồng.
Đối với nhóm 2, tiến hành đầu tư nâng cấp 3 tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và khai thác đồng bộ với các đoạn cao tốc liền kề đã khai thác, đang đầu tư quy mô 4 làn xe gồm: Nâng cấp đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe; nâng cấp đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe; nâng cấp 12km cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình lên 4 làn xe. Tổng nhu cầu vốn nhà nước khoảng 18.683 tỷ đồng.
Nhóm 3 sẽ là các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 50.837 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Các tuyến cao tốc cần nâng cấp gồm: Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1; nâng cấp đoạn Chơn Thành - Đức Hòa từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh.
Cuối cùng là nhóm 4, bao gồm các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại. Theo tính toán sơ bộ, phương án nâng cấp theo quy mô quy hoạch, nhu cầu vốn nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng.
Bộ GTVT lý giải nguyên nhân cao tốc chưa đạt chuẩn
Trước phản ánh của người dân về tình trạng một số tuyến đường cao tốc được thiết kế chưa đạt chuẩn khi chỉ có hai làn xe, tốc độ thấp và kém chất lượng, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh với quy mô 4 - 10 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên, do nguồn lực Nhà nước còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư đường cao tốc rất lớn, nên việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, khả năng cân đối vốn.
Đặc biệt, việc phân kỳ đầu tư giúp sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Từ những lý do trên, Bộ GTVT đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư đối với một số tuyến có nhu cầu vận tải trong thời gian đầu khai thác chưa cao.
Việc phân kỳ đầu tư khiến 1 số tuyến cao tốc ban đầu sẽ có quy mô hạn chế và bộc lộ 1 số bất cập. Chẳng hạn, 2 làn xe không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời; tốc độ khai thác trong giai đoạn phân kỳ còn hạn chế.
Xem thêm video được quan tâm:
Loạt cao tốc 2 làn xe khiến người tham gia giao thông vừa đi vừa run.