Hà Nội

Sẽ ban hành hướng dẫn mới phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào ngày 9/7

05-07-2019 14:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết vào ngày 9/7, Bộ sẽ họp và đưa ra các hướng dẫn mới về phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các Bộ ngành, địa phương chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã thông tin về những chuyển biến mới trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ngày 9/7 tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ họp và đưa ra các hướng dẫn mới về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết về sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi hiện nay và nhấn mạnh: “Nuôi lợn chiếm khoảng 9% tổng giá trị của toàn ngành nông nghiệp. Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đến nay đã làm mất khoảng 10% tổng đàn lợn, ảnh hưởng rất lớn đến ngành và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 2,4 triệu hộ nông dân nuôi lợn”.

Đến nay đã có khoảng 2,8 triệu con lợn nhiễm bệnh và công tác kiểm soát vẫn còn rất khó khăn, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp chống dịch từ trung ương đến địa phương, giữa chính quyền với nhân dân…

Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các hướng dẫn mới về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

“Hiện nay, đã có 659 xã của hơn 300 huyện và 40 tỉnh sau 30 ngày không còn dịch quay trở lại, đây là tín hiệu rất tốt. Cùng với đó, sau 4 tháng tập trung nghiên cứu quyết liệt phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và người chăn nuôi đã có 2 trung tâm ra được vắc xin cho tín hiệu khả quan về dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể là qua thí nghiệm các lô (6-8 con/lô) thì có khoảng 80% số làm thí nghiệm chứng minh có tác dụng. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thí nghiệm. Từ vắc xin trong phòng thí nghiệm ra đến vắc xin thương mại còn một quá trình dài nhưng đã có 2 trung tâm ra được vắc xin hiệu quả như vậy và chúng ta có quyền hy vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thông tin, đã xuất hiện một tín hiệu vui là việc dùng các chế phẩm vi sinh có lợi để tăng cường sức đề kháng của con lợn cũng cho hiệu quả tốt. Cụ thể,  riêng Thừa Thiên Huế có 5 huyện với 1.200 con lợn của 17 hộ gia đình sau khi dùng chế phẩm đã không mắc dịch trong khi xung quanh đều có dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, báo cáo về tình hình nghiên cứu dịch tả lợn châu Phi, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, qua thử độc lực virus trên lợn, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 3 chủng virus dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao. Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus trong cơ quan con lợn. Đối với đề tài chọn các dòng tế bào thích nghi với dịch tả lợn châu Phi /Chế tạo tế bào PAM, hiện đã chủ động sản xuất được tế bào PAM đủ dùng và đang thích nghi virus trên 4-5 dòng tế bào khác nhau, hiện đang tìm ra dòng tế bào thích nghi nhất.

Đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vắc xin vô hoạt thế hệ mới và bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y, tại khu nuôi động vật thí nghiệm của Học viện và cơ sở chăn nuôi ngoài thực địa. Theo đó, vắc xin thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vắc xin thì đều chết do dịch tả lợn châu Phi.

Đánh giá về độ an toàn của vắc xin, bà Lan cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).

“Tuy nhiên với loại vắc xin vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ NN&PTNT cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300-500 liều vắc xin để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

Hà Nội: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, trên phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn

Tính đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 27.071 hộ chăn nuôi (chiếm 33,5 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.282 thôn, tổ dân phố/445 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 471.033 con (chiếm 25,1% tổng đàn) với trọng lượng 32.441 tấn.

Ảnh minh họa

Đến nay, có 48 xã, phường thuộc 15 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Tổng số lợn nái, đực giống mắc bệnh, tiêu hủy là 61.850 con, chiếm 13,1% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà; thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 218 tấn hóa chất và 7.386 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Dù công tác phòng, chống dịch bệnh đã được tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, tuy nhiên dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Thời gian tới, Sở NN&PTNN tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và chỉ đạo của Trung ương, Thành phố. Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định.

Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào Thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của Trung ương và Thành phố hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.


HY
Ý kiến của bạn