Một bệnh viện (BV) đạt tiêu chuẩn hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế, dù ở Hà Nội hay một tỉnh miền núi cũng sẽ có mức giá viện phí giống nhau cho cùng một dịch vụ kỹ thuật, nếu chênh cũng không nhiều.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo thông tư liên tịch của Bộ Y tế- Bộ Tài chính- Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thông tin từ hội nghị cũng cho biết thêm, dự kiến từ quý 2/2015, so với mức giá viện phí đang thực hiện, giá khám, chữa bệnh y tế đối với người có bảo hiểm y tế (BHYT) tại các BV cùng hạng trên toàn quốc sẽ có nơi tăng, nơi giảm bởi mức giá quy định tại Thông tư này chỉ áp dụng cho đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT. Các bệnh nhân không có thẻ BHYT về nguyên tắc vẫn tiếp tục áp dụng mức giá thanh toán theo các quyết định đã được phê duyệt.
5 mức giá tương đương với 5 hạng BV
Theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc, các BV được phân theo 5 hạng: BV hạng đặc biệt, BV hạng 1, BV hạng 2, BV hạng 3, BV hạng 4.
Ông Nguyễn Nam Liên nêu rõ, mức giá theo các hạng BV trước mắt vẫn tính trên cơ sở 3 yếu tố chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ như mức giá hiện nay gồm: thứ nhất là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; thứ 2 là điện, nước, vệ sinh, thủ thuật, xử lý chất thải và thứ 3 là duy tu bảo dưỡng trang thiết bị.
BV hạng thấp (tuyến dưới) chỉ thực hiện các trường hợp bệnh nhẹ, đơn giản; các trường hợp bệnh nặng, phức tạp, quá khả năng chuyên môn phải chuyển BV hạng cao (tuyến trên) thì giá cả mỗi hạng BV chênh lệch khoảng 5% (BV hạng đặc biệt cao hơn hạng 1 khoảng 5%, hạng 1 cao hơn hạng 2 khoảng 5%)...
Riêng giá ngày giường tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ, giá một số phẫu thuật, thủ thuật tính thêm chi phí phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
Tới đây giá dịch vụ y tế sẽ được tính tương đương hạng BV
Cụ thể, giá giường bệnh cho ngày điều trị hồi sức tích cực, chưa bao gồm chi phí máy thở (nếu có) là 290.000 đồng đối với BV hạng đặc biệt và hạng 1, 275.000 đồng đối với BV hạng 2; giá giường bệnh hồi sức cấp cứu là 150.000 đồng đối với BV hạng đặc biệt và BV hạng 1, các BV hạng 2, 3, 4 có mức giá lần lượt là 100.000 đồng, 55.000 đồng và 50.000 đồng; giá giường bệnh trị nội khoa như truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nhi, thận học, nội tiết ở các BV từ đặc biệt đến hạng 4 lần lượt là 80.000 đồng, 70.000 đồng, 64.000 đồng, 38.000 đồng và 30.000.
“Giá giường điều trị tính cho 1 người/ngày giường điều trị. Trường hợp phải nằm ghép 2 người được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người trở lên chỉ thu tối đa 30% mức thu ngày giường điều trị”- ông Liên cho hay
Phụ cấp thường trực được cộng thêm vào ngày giường bệnh là 19.000 đồng đối với giường bệnh hạng đặc biệt và hạng 1; 10.000 đồng, 11.000 đồng và 15.000 đồng đối với giường bệnh hạng 4, 3, 2 .
“Như vậy, khi thông tư này được ban hành, sẽ có đơn vị, địa phương được điều chỉnh tăng giá khám chữa bệnh BHYT nhưng có đơn vị, địa phương phải điều chỉnh giá KCB BHYT đang thực hiện. Chẳng hạn, các BV hạng đặc biệt và hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế sẽ có mức giá điều chỉnh giảm từ bình quân khoảng 94,5% mức giá tối đa xuống còn bình quân khoảng 92% mức giá tối đa”-ông Liên nói.
Bước đi quan trọng hướng đến đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh
Trên thực tế, dịch vụ KCB BHYT đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch 03/2006 và Thông tư liên tịch số 04. Khi thực hiện Thông tư liên tịch 04, tiến độ điều chỉnh giá không được thực hiện đồng loạt. Chẳng hạn, năm 2012, chỉ thực hiện điều chỉnh tại một số BV trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương và 45/63 tỉnh; năm 2013, 17/63 tỉnh thực hiện; năm 2014, TP HCM thực hiện.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá chưa thực hiện ở mức tối đa của Thông tư 04. Nhóm 1 gồm các BV hạng đặc biệt, một số BV hạng 1 tại Hà Nội và TP HCM, giá bình quân là khoảng 94-95% mức giá tối đa của khung giá; nhóm 2 gồm các BV hạng 1 đóng tại các địa phương là khoảng 90-92%; nhóm 3 là các BV tuyến Trung ương còn lại khoảng 88%; các BV thuộc địa phương thì trong 63 tỉnh, thành phố có 5 tỉnh bình quân dưới 70%, 34 tỉnh từ 70-80%, 24 tỉnh trên 80% đến 94% khung giá.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, thời gian qua, giá dịch vụ y tế mỗi địa phương quy định một mức khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các BV cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật..) khác nhau. Ví dụ, giá BV hạng 1 ở Hà Nội, TP HCM khác BV hạng 1 tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; BV tuyến tỉnh hạng 2 tại đồng bằng khác miền núi, thành phố. Điều này đã gây mất bình đẳng trong thanh toán chi phí KCB BHYT.
Trong khi đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1/1/2015 yêu cầu quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc.
Quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh sẽ được đảm bảo công bằng hơn
“Thực hiện một dịch vụ kỹ thuật cụ thể giữa BV khác nhau thì bản chất dịch vụ vẫn như thế, không thể có chuyện vì làm ở BV A mà giá cao hơn, làm ở BV B giá lại thấp hơn. Rất có thể một phần do trang bị kỹ thuật khác nhau, trình độ thầy thuốc khác nhau, nhưng không thể khác biệt quá”, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ sung thêm.
Vì thế, theo ông Thảo việc ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh thống nhất giữa các hạng BV được xác định là bước đi quan trọng, đảm bảo công bằng. Trước đây, BV hạng 2 của tỉnh này có thể đẩy giá lên như BV hạng 1 của tỉnh khác, tạo ra sự không công bằng. Tuy nhiên theo thông tư này, nếu chất lượng chỉ là hạng 2 thì Quỹ BHYT chỉ thanh toán BV hạng 2 chung của cả nước.
“Qua đó, tạo động lực để các cơ sở khám chữa bệnh phải tự nâng cao chất lượng để đạt được mức giá cao hơn, đồng thời góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên”, ông Thảo nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, nhất là giá dịch vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong hoạt động của ngành y tế. Nếu có cơ chế hoạt động đúng đắn, giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp sẽ giúp các đơn vị sự nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thúc đẩy bảo hiểm y tế phát triển để sớm thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nhấn mạnh, cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình , Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức
Thái Bình