Chấn động vụ bê bối vắc xin Trung Quốc
Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc (CFDA) đã phát hiện Công ty Công nghệ sinh học Changsheng, có trụ sở tại Cát Lâm làm giả các thông tin dữ liệu sản xuất và các dữ liệu về thử nghiệm sản phẩm, đồng thời tự ý thay đổi các thông số và trang thiết bị trong quá trình sản xuất vaccin phòng bệnh dại được dùng cho người, vi phạm nghiêm trọng quy định quản lý chất lượng sản xuất dược phẩm và buộc công ty phải đình chỉ sản xuất.
Bê bối vaccin không đủ tiêu chuẩn của Trung Quốc khiến người tiêu dùng mất niềm tin
Công ty Changchun Changsheng bị cơ quan chức năng Trung Quốc thu hồi Giấy chứng nhận thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP). CFDA tuyên bố, các lô vắc xin bệnh dại kiểm tra chưa được đưa ra thị trường, trong khi đó công ty mẹ Changsheng tuyên bố thu hồi tất cả các vắc xin dại hiện có trên thị trường. Được biết, doanh thu bán hàng từ các sản phẩm vắc xin phòng bệnh dại chiếm một nửa tổng doanh thu của Changchun Changsheng. Năm ngoái công ty Changchun Changsheng sản xuất 3,54 triệu liều vắc xin phòng bệnh dại, chiếm khoảng 23% thị trường vắc xin bệnh dại. Một thông tin khiến người tiêu dùng giật mình là vắc xin của công ty được đăng ký lưu hành ở Ấn Độ, Campuchia và Nigeria vào năm ngoái, tuy nhiên không người ta không biết liệu đã có vắc xin nào được xuất khẩu hay chưa.
Chưa hết bàng hoàng bởi những thông tin chấn động dư luận về vắc xin phòng bệnh dại, chỉ vài ngày sau , Cơ quan chức năng Trung Quốc tiết lộ thêm một vụ bê bối vắc xin nữa của công ty Changchun Changsheng. Đó là năm 2017, công ty đã bán 252.600 liều vaccin DPT phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván cho tỉnh Sơn Đông, trong đó, đã sử dụng để tiêm cho 215. 184 trẻ từ 6 tuần đến 3 tháng ở 8 huyện, thị. Đáng nói là những liều vắc xin này không có tác dụng phòng bệnh. Vụ việc từ năm 2017, nhưng công ty chỉ bị các cơ quan quản lý xử lý rất nhẹ nhàng là thu hồi số vắc xin còn lại và bị phạt 3,4 triệu NDT.
Vaccin phòng bệnh dại của công ty Changsheng sản xuất
Hoang mang, lo sợ trước vấn nạn vắc xin không đảm bảo chất lượng
Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Trung Quốc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên, bất ngờ, đến hoang mang, lo sợ. Vì vắc xin phòng bệnh dại là loại vắc xin liên quan đến tính mạng con người, một người bị chó dại cắn nếu không tiêm phòng thì khả năng tử vong rất cao. Dư luận Trung Quốc đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, đó là tại sao một công ty sản xuất vắc xin lớn như vậy có thể sản xuất và đưa ra thị trường hàng triệu liều vắc xin không đạt chuẩn mà không cơ quan chức năng nào kiểm soát? Những người nào đã nhận hậu quả của việc sử dụng vắc xin không có tác dụng? Đặc biệt vắc xin được dùng trong chương trình tiêm chủng quốc gia, có bao nhiêu trẻ em đã tiêm loại vắc xin không có tác dụng, bao nhiêu trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe do tiêm vắc xin này?
Doanh nhân Trung Quốc cùng tờ giấy xác nhận vợ mình đã được tiêm vaccin phòng bệnh dại, nhưng vẫn qua đời
Vụ việc hiện nay khiến dư luận Trung Quốc nhớ đến câu chuyện xảy ra cách đây đúng 1 năm của một gia đình doanh nhân Trung Quốc, vợ chồng chia lìa, con cái mồ côi. Đó là hoàn cảnh của gia đình anh Ma Hongzhou, vợ anh Ma năm đó 32 tuổi, khi đang trên đường đi gặp một đối tác kinh doanh , không may bị một con chó đi lạc cắn vào mắt cá chân. Cô đã rất đề phòng và đi tiêm vắc xin dại ngay trong ngày hôm đó tại một bệnh viện trong thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Theo hồ sơ y tế để lại, cô tiếp tục được tiêm các liều vắc xin phòng bệnh dại khác tại các bệnh viện Trung ương ở Tây An. Khoảng 15 ngày sau, cô xuất hiện triệu chứng khó chịu, nôn mửa, không thể đi lại được, và phải nhập viện. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cô bị nhiễm siêu vi khuẩn bệnh dại, căn bệnh mà tỷ lệ tử vong lên tới 100% khi xuất hiện các triệu chứng. Vào ngày 18/7/2017, cô qua đời. Ngay sau cái chết của vợ, doanh nhân Trung Quốc đã yêu cầu các nhà chức trách điều tra cái chết của vợ ông, người đã được tiêm phòng nhưng vẫn chết vì bệnh dại. Tuy nhiên, doanh nhân Ma vẫn không nhận được bất kỳ lời giải thích chính thức nào từ cơ quan y tế.
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị các cơ quan chức năng điều tra kỹ lưỡng vụ sản xuất vắc xin không đảm bảo và nghiêm trị những người chịu trách nhiệm. Sức khỏe của người dân phải luôn đặt ưu tiên hàng đầu, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
Không chỉ đánh mất niềm tin, vắc xin không có tác dụng là hành động “coi thường mạng sống người khác”
Cuộc khủng hoảng niềm tin ở Trung Quốc không phải bây giờ mới xảy ra. Vụ việc năm 2008, sữa nhiễm melamin khiến khoảng 300.000 trẻ sơ sinh Trung Quốc bị bệnh gây ra một làn sóng phản đối dữ dội. Một cơn sốt sử dụng sữa ngoại đã làm điêu đứng các nhà sản xuất trong nước. Do lo ngại sức khỏe của con em mình, người tiêu dùng Trung Quốc đã tìm đường tới Hongkong hoặc ra nước ngoài để mua sữa.
Vụ bê bối vắc xin này khiến cộng đồng mạng Trung Quốc phản ứng giận dữ, có rất nhiều bình luật phẫn nộ: “Làm thế nào để tôi có thể tin tưởng dùng hàng trong nước đây?”, “Niềm tin của tôi đã bị lợi dụng bởi sự vô trách nhiệm, và coi thường mạng sống của người khác”. … Cô Zheng – mẹ của một em bé 6 tuổi, người đã từng sử dụng vắc xin của Changsheng cho con- giờ đây đứng trước nỗi lo lắng, rằng cô không biết những loại vắc xin đó liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không, liệu có tác dụng phòng bệnh không. Cô Zhen cho biết, mình là người luôn ủng hộ các sản phẩm sản xuất trong nước, nhưng sự cố này khiến cô cảm thấy mất lòng tin của những thương hiệu quốc gia.
Theo Reuters, kể từ khi vụ bê bối xảy ra, các phòng khám tư nhân ở Hongkong cho biết họ nhận được nhiều hơn bình thường các đơn đặt hàng từ Trung Quốc yêu cầu tìm vắc xin cho con của mình. Ảnh hưởng của vụ bê bối vắc xin đã xuất hiện, niềm tin là thứ mất đi thì dễ nhưng lấy lại còn khó hơn gấp nhiều lần….