Hà Nội

Sẩy thai liên tiếp, vợ chồng cần làm gì?

20-12-2022 15:11 | Bệnh phụ nữ
google news

SKĐS - Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sẩy thai liên tiếp. Thật không may, không phải lúc nào các bác sĩ cũng có thể tìm ra lý do tại sao nó xảy ra.

Theo PGS.TS Lê Minh Tâm - Phó Trưởng bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y dược Huế chia sẻ tại Hội nghị sản phụ khoa toàn quốc 2022, sẩy thai liên tiếp chiếm 1 - 3% các cặp vợ chồng đang mong muốn có thai. Nguy cơ sẩy thai liên tiếp tăng theo tuổi mẹ và xu hướng này làm tăng nguy cơ sẩy thai chung ở phụ nữ lớn tuổi. Tiền sử sản khoa giúp dự đoán nguy cơ sẩy thai trong lần mang thai tiếp theo.

Nguyên nhân sẩy thai liên tiếp

Cũng theo PGS.TS Lê Minh Tâm, có nhiều nguyên nhân liên quan đến sẩy thai liên tiếp bao gồm:

- Nguyên nhân giải phẫu chiếm 15% các trường hợp sẩy thai liên tiếp.

- Bất thường bẩm sinh tử cung (có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải) gặp từ 10 - 15% phụ nữ sẩy thai liên tiếp so với 7% trong dân số nói chung. Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh hữu ích giúp đánh giá tử cung trong những trường hợp sẩy thai liên tiếp.

Sẩy thai liên tiếp, cha mẹ cần làm gì?  - Ảnh 1.

Hầu hết các cặp vợ chồng bị sẩy thai liên tiếp đều có cơ hội sinh con trong tương lai.

- Bất thường di truyền có thể là nguyên nhân ở 3 - 5% các trường hợp sẩy thai liên tiếp gồm bất thường nhiễm sắc thể "ẩn" ở bố hoặc mẹ, bất thường trong giảm phân tạo giao tử hay trong quá trình phát triển của phôi.

- Hội chứng kháng phospholipid (APS) chiếm khoảng 15% trường hợp sẩy thai liên tiếp. Đây là một bệnh lý tự miễn, thường gây ra nhiều biến chứng sản khoa như sinh non, tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung và cả sẩy thai liên tiếp (sẩy thai liên tiếp hoặc sẩy thai muộn, thai chết trong tử cung) và hội chứng tăng đông do các tự kháng thể gây tăng đông máu, huyết khối động - tĩnh mạch.

- Yếu tố nội tiết như suy giáp, đái tháo đường không được điều trị hoặc kiểm soát kém có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.

- Suy hoàng thể (khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể) có liên quan đến sẩy thai liên tiếp.

Sẩy thai liên tiếp, cha mẹ cần làm gì?  - Ảnh 2.

Sẩy thai liên tiếp là tình trạng phụ nữ bị sẩy thai tự nhiên từ hai lần trở lên, phần lớn trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.

- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tăng prolactin máu, làm tăng nguy cơ sẩy thai liên tiếp. Các bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm Mycoplasma hominus, Chlamydia, Listeria monocytogenes, Toxoplasma gondii, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes virus,... thường được phát hiện trong môi trường âm đạo – cổ tử cung và trong máu của phụ nữ bị sẩy thai. Tuy nhiên, liên quan giữa các yếu tố này với sẩy thai liên tiếp vẫn chưa được giải thích rõ.

- Các yếu tố khác như yếu tố môi trường, hay lối sống có thể tăng nguy cơ sẩy thai liên tiếp.

Trước đây, sàng lọc theo các nguyên nhân của bố và mẹ thì có đến 50% trường hợp bị sẩy thai liên tiếp sau đánh giá được phân loại là chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu kết hợp việc khám sàng lọc hai vợ chồng kèm với thông tin di truyền của tổ chức sẩy có thể giải thích được nguyên nhân đến 90% trường hợp.

Lệch bội là nguyên nhân phổ biến nhất có thể giải thích cho tình trạng sẩy thai tự phát và tái phát (hiện diện trong khoảng 60% trường hợp mang thai lâm sàng dẫn đến sẩy thai).

Làm gì khi sẩy thai liên tiếp?

Theo BS. Minh Tâm, kỹ thuật microarray nhiễm sắc thể tổ chức sẩy (CMA) giúp khắc phục vấn đề này và nên được thực hiện khi có sẩy thai từ lần thứ hai trở đi.

Mặc dù kết quả nói chung sẽ không làm thay đổi quá trình điều trị, nhưng việc biết được lý do của sự mất thai là cơ sở cho việc giải thích và động viên lớn lao đối với nhiều bệnh nhân. Nhóm sẩy thai liên tiếp thực sự không giải thích được sẽ cần được nghiên cứu thêm.

Với các trường hợp có bất thường di truyền đã xác định, hai vợ chồng có thể tiếp tục cố gắng có thai tự nhiên. Nếu một người bị chuyển đoạn cân bằng, vẫn có khả năng thụ thai bình thường. Tỷ lệ mang thai thành công ở các cặp vợ chồng có chuyển đoạn cân bằng khác nhau tùy theo loại chuyển đoạn cụ thể và nếu có nguồn gốc từ mẹ thì cơ hội thấp hơn.

Sẩy thai liên tiếp, cha mẹ cần làm gì?  - Ảnh 3.

Các cặp vợ chồng gặp trường hợp sẩy thai liên tiếp cần được hỗ trợ tâm lý và tư vấn; thay đổi chế độ ăn và lối sống ở cả vợ và chồng theo “Thực hành tốt sản khoa của ESHRE”.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS) để chọn phôi bình thường trước khi chuyển vào tử cung hoặc nhận giao tử tặng cũng là lựa chọn. Xét nghiệm di truyền phôi trước làm tổ cho thấy tỷ lệ sinh sống được cải thiện trên mỗi thai kỳ, cũng như giảm tỷ lệ sẩy thai đối với người mang thai chuyển vị.

Một số phương pháp khác vẫn được áp dụng trong thực tế nhưng hiệu quả chưa được chứng minh trong điều trị sẩy thai liên tiếp như bổ sung Aspirin liều thấp trong trường hợp không chẩn đoán APS, sử dụng immunoglobulin tiêm tĩnh mạch với giả thuyết phản ứng miễn dịch bất thường của người mẹ đối với sự làm tổ của thai giai đoạn sớm.

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng gặp trường hợp sẩy thai liên tiếp cần được hỗ trợ tâm lý và tư vấn; thay đổi chế độ ăn và lối sống ở cả vợ và chồng theo "Thực hành tốt sản khoa của ESHRE" gồm bổ sung các vitamin tổng hợp và vitamin D, cai thuốc lá hoặc tránh hút thuốc lá thụ động, duy trì chỉ số khối (BMI) trong giới hạn bình thường và hạn chế rượu, bia.

Xem thêm video được quan tâm:

Những điều thú vị về cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm | SKĐS


KD
Ý kiến của bạn