Hà Nội

Say nắng và xử trí

04-05-2017 15:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 39-40 độ C. Trong trường hợp cơ thể hoạt động dưới ánh nắng thời gian dài mà không có biện pháp bảo vệ thì rất dễ bị say nắng.

Mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 39-40 độ C. Trong trường hợp cơ thể hoạt động dưới ánh nắng thời gian dài mà không có biện pháp bảo vệ thì rất dễ bị say nắng. Nếu không có biện pháp xử trí kịp thời có thể gây tử vong hay các di chứng thần kinh không hồi phục.

Say nắng là gì?

Say nắng là tình trạng đe dọa tính mạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể đạt đến 40độC hoặc cao hơn. Nguyên nhân do khi lao động hoặc hoạt động quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ gáy liên tục khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn cùng với hiện tượng mất nước cấp. Người bị say nắng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương não, suy cơ quan hoặc tử vong. Khi bị say nắng, nạn nhân thường có biểu hiện: thân nhiệt cao, thiếu mồ hôi (khi chạm vào da sẽ cảm thấy nóng và khô), làn da có thể chuyển sang màu đỏ như tăng nhiệt độ cơ thể.

Say nắng và xử trí

Ngoài ra còn có thể gặp một số biểu hiện khác như nhức đầu, thở nhanh, tim đập nhanh do mạch máu hoạt động tăn giúp làm mát cơ thể. Các triệu chứng thần kinh có thể gặp như cơn co giật, mất ý thức, hôn mê, ảo giác hoặc khó khăn khi nói hoặc hiểu những gì người khác nói, đau cơ.

Các yếu tố nguy cơ gây say nắng

Bất cứ ai cũng có thể có say nắng, nhưng một số yếu tố có thể đặt vào nguy cơ lớn hơn như:

Tuổi: Trẻ em hay người cao tuổi do khả năng đối phó với nhiệt độ của hệ thống thần kinh trung ương kém hơn các lứa tuổi khác.

Nghề nghiệp: Những người tham gia học tập, làm việc, lao động hay thể thao chuyên nghiệp phải thực hành ngoài trời vào mùa hè có nguy cơ cao bị say nắng.

Thuốc: Một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và đáp ứng với nhiệt của cơ thể như thuốc điều chỉnh huyết áp bằng cách ngăn chặn adrenaline (chẹn beta), loại bỏ cơ thể muối và nước (lợi tiểu), thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần… cần đặc biệt cẩn thận trong thời tiết nóng Ngoài ra, các chất kích thích, chẳng hạn như chất kích thích và cocaine có thể gây tăng nhiệt cơ thể làm cho dễ bị say nắng.

Xử trí và phòng ngừa

Trước một người bị say nắng, quan trọng nhất là biện pháp giảm thân nhiệt bằng cách chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ, cho uống nước mát có pha muối hoặc nước orezol pha đúng liều lượng. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển cơ sở y tế gần nhất nhưng trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên phải chườm mát. Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp sốt cao có thể dùng paracetamol để hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Say nắng và xử tríCần có biện pháp bảo hộ khi  phải làm việc ngoài trời nắng nóng.

Biến chứng nguy hiểm của say nắng là sốc do sự mất mát đột ngột của lưu lượng máu với các dấu hiệu huyết áp rất thấp, môi, móng tay màu xanh và da mát lạnh. Sốc có thể gây tổn thương các bộ phận cơ thể nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, say nắng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách:

Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức, đặc biệt thời điểm từ 10-14 giờ hàng ngày.

Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…

Uống nhiều nước, có thể là nước trái cây, nước đun sôi để nguội, nước oresol vì nó có thể duy trì nhiệt độ bình thường.

Không để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ trong thời tiết nắng nóng dù thời gian ngắn do nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độC chỉ trong 10 phút.

Nên định kỳ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15-20 phút sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc.


BS. Lê Văn Bách
Ý kiến của bạn