Say nắng và cách cấp cứu, điều trị

11-09-2022 09:30 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Trong ngày nắng nóng, hiện tượng say nắng rất thường gặp, đặc biệt là người phải ở ngoài trời nắng lâu. Say nắng có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... Nhưng nếu không xử trí kịp để tình trạng nặng lên có thể gây tổn thương não, suy đa phủ tạng thậm chí là tử vong.

Biểu hiện của say nắng thế nào?

Người phải lao động trực tiếp ngoài trời nắng nóng (xe ôm, nông dân…) quá lâu, dưới tác dụng liên tục của ánh nắng mặt trời, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động và làm rối loạn điều hòa thân nhiệt.

Cùng với ở dưới nhiệt độ nắng nóng lâu, cơ thể cũng bị mất nước nhiều hơn. Cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị ức chế dẫn đến tình trạng sốt cao, vã mồ hôi, mất nước, trụy mạch... Đó là hiện tượng say nắng.

Say nắng có biểu hiện từ nhẹ đến nặng:

  • Ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu, nhịp tim tăng, thở mệt…
  • Sau đó nếu không được nghỉ ngơi và sơ cứu ngay, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân, khó thở nhiều hơn, người mệt lả, thân nhiệt tăng, sốt cao 41°C đến 42°C, mạch nhanh, sắc mặt tái nhợt.…
  • Và cuối cùng là ngất xỉu, hôn mê, trụy tim mạch, thậm chí là tử vong nếu không được cứu chữa.

Cách xử trí và điều trị cho người bị say nắng

Khi thấy một người có biểu hiện như trên giữa trời nắng nóng, cần nhanh chóng tìm cách hạ thân nhiệt cho bệnh nhân. Bằng cách đưa bệnh nhân vào nơi mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo để giúp tỏa bớt nhiệt độ. Dùng khăn dấp nước chườm mát cho bệnh nhân ở nách, bẹn, cổ, mặt, đầu...

Nếu bệnh nhân tỉnh, vẫn tự uống nước được:

- Cho bệnh nhân uống nước pha với một chút muối, đường (nếu có nước dừa tươi, oresol càng tốt). Nếu không có các loại nước trên thì cho bệnh nhân uống nước lọc, nước khoáng…

Có thể cho một số loại nước với các nguyên liệu thường có sẵn trong các gia đình sau đây cũng giúp bệnh nhân mau hồi tỉnh:

- Pha bột sắn dây với nước đun sôi để nguội, cho thêm ít đường uống giúp cơ thể người say nắng dịu mát hơn.

- Lấy một miếng bí xanh đã gọt vỏ, ép lấy nước cốt, thêm một chút muối, cho bệnh nhân uống.

- Nếu có nước ép mía tươi, cho bệnh nhân uống ngay cũng giúp bệnh nhân mau tỉnh.

- Các loại nước ép trái cây khác như: dưa hấu, dưa chuột, cam… cũng rất tốt khi bị say nắng.

Lưu ý cho bệnh nhân uống ít một để tránh bị nôn.

Sau đó nếu bệnh nhân đã tỉnh hẳn vẫn không nên làm việc trở lại ngay, mà cần nghỉ ngơi vài ngày để cơ thể hồi phục hoàn toàn.

Say nắng và cách cấp cứu, điều trị - Ảnh 3.

Uống đủ nước để phòng mất nước.

Nếu tình trạng bệnh nhân nặng: Cần gọi xe cấp hoặc dùng xe cá nhân đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển cần thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân.

Tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Nếu có sốt cao, bệnh nhân sốt cao được hạ sốt bằng paracetamol đường uống hoặc đường hậu môn.

Trường hợp sốt quá cao kèm co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho; nếu bệnh nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Dự phòng say nắng thế nào?

Để dự phòng say nắng, khi đi ra ngoài trời hoặc công việc phải lao động nhiều dưới ánh nắng, cần:

- Mặc quần áo bảo hộ lao động với chất liệu bằng vải sợi bông, thoáng mát, thấm mồ hôi, đội mũ nóng.

- Không phơi nắng hoặc làm việc ngoài trời quá lâu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 12-16 giờ.

- Uống nhiều nước, bổ sung nước hoa quả. Không nên uống đồ uống đóng chai, nước ngọt có gas…

- Người phải lao động ngoài trời, luôn dự phòng sẵn một số thuốc sơ cứu say nắng bên mình (thuốc hạ sốt paracetamol, gói oresol, chai nước lọc hoặc nước khoáng…).

Mời độc giả xem thêm video:

Sai lầm: Ăn khoai lang thay cơm để giảm cân | SKĐS

ThS. Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn