Hà Nội

Say nắng, say nóng - Phòng và trị thế nào?

01-08-2021 15:51 | Y học cổ truyền

SKĐS - Thời tiết nắng nóng là điều kiện dễ xảy ra các trường hợp nguy hiểm như say nắng, say nóng, ngất, sốc nhiệt...

Các biểu hiện của say nắng, say nóng.

Cách nhận biết say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng, theo y học cổ truyền thuộc phạm trù "trúng thử". Tức là trúng nắng, trúng nóng, có các biểu hiện như:

- Sốt, tăng thân nhiệt, da nóng, không ra mồ hôi hoặc vã mồ hôi nhiều, mồ hôi lạnh.

- Tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp trống ngực.

- Người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu.

- Khát nhiều, miệng họng khô.

- Niêm mạc mắt đỏ, lưỡi đỏ, mặt đỏ, mạch nhanh và nhỏ.

- Nước tiểu vàng sẫm, ít nước tiểu.

- Trường hợp nặng, có thể ngất, hôn mê, trụy tim mạch, sốc nhiệt dẫn đến tử vong.

Vậy làm thế nào để phòng tránh và xử trí những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra?

Việc nhanh chóng phát hiện, tiến hành sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ từ nhân viên y tế là điều rất quan trọng.

Cách xử trí say nắng, say nóng tại chỗ

Nhanh chóng hạ thân nhiệt cho người say nắng bằng cách:

- Chuyển người bệnh đến nơi thoáng mát, có bóng râm.

- Nới lỏng, cởi bỏ bớt quần áo.

- Sử dụng khăn mát vắt ráo, chườm, đắp vào những nơi như trán, mặt, cổ, hõm nách, bẹn.

- Bổ sung nước khi người bệnh còn tỉnh táo và không nôn nhiều.

- Gọi hỗ trợ y tế và vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Cách bấm huyệt hỗ trợ người say nắng, say nóng bị ngất:

Trong trường hợp người bệnh ngất, ngoài các xử trí trên, có thể day, ấn một số huyệt có tác dụng tỉnh thần trong lúc chờ hỗ trợ từ nhân viên y tế như:

- Huyệt Nhân trung: 1/3 phía trên rãnh nhân trung

- Huyệt Thừa tương: Hõm dưới môi dưới.

- Huyệt Hợp cốc: Hõm giữa ngón trỏ và ngón cái.

- Huyệt Ấn đường: Giao điểm giữa 2 đầu lông mày.


Say nắng, say nóng - phòng và trị như thế nào? - Ảnh 1.

Bấm huyệt hỗ trợ điều trị say nắng

Dự phòng say nắng, say nóng như thế nào?

Để phòng tránh chứng "trúng thử", việc dự phòng là điều rất cần thiết.

- Uống đủ nước, đặc biệt là những ngày nhiệt độ cao. Hạn chế ra ngoài đường. Khi đi ra ngoài, phải có quần áo bảo hộ, mũ, ô che nắng, kính râm...

- Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng, trong môi trường nóng bức hoặc hoạt động thể lực quá sức ngoài trời.

- Khi mới từ ngoài trời nắng về còn nóng và ra nhiều mồ hôi, không được: Tắm lạnh, gội đầu, đổ nước từ đỉnh đầu xuống, để điều hoà lạnh, quạt gió hướng thẳng người.

- Tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể với một số loại rau củ có tính mát như bí đao, cà chua, đỗ xanh, mướp, dưa chuột, mồng tơi, rau đay, rau muống...

Say nắng, say nóng - phòng và trị như thế nào? - Ảnh 2.

Cách phòng ngừa say nắng

Một số vị thuốc giải nhiệt, giúp giảm say nắng, say nóng

Hằng ngày nên uống một số vị thuốc có tác dụng giải thử, giải nhiệt, sinh tân, chỉ khát như:

+ Rau má tươi: Rửa sạch, ngâm rửa nước muối, sau đó đem giã, xay lấy nước cốt uống.

+ Lá sen tươi: Rửa sạch, xay hoặc giã với ít muối, lấy nước cốt uống.

+ Lá hương nhu tươi: Rửa sạch, giã nát với ít muối. Đun sôi để nguội, lọc bỏ bã, lấy nước uống.

+ Quả dưa hấu: Vỏ quả rửa sạch, đun nước để nguội uống. Hoặc lấy ruột dưa hấu ép nước uống.

- Quả mướp đắng (khổ qua): Bỏ ruột, thái mỏng, đun sôi để nguội uống…

BS. Nguyễn Thị Mai Phương (Khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện TWQĐ 108)
Ý kiến của bạn