Hà Nội

Say nắng, say nóng & cách xử lý

30-05-2014 09:33 | Y học 360
google news

SKĐS - Để chống nóng, con người có khả năng điều hòa thân nhiệt (tức nhiệt độ thân thể) ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh.

“Cũng thì đất chở cũng trời che …”, nhưng nước ta ở vùng nhiệt đới bắc bán cầu nên mùa hè rất nắng, nóng, nhiệt độ môi trường cao, độ ẩm lớn, gây cho cơ thể bức bối. Trong hoàn cảnh thời tiết ấy, hiện tượng say nắng, say nóng rất dễ xảy ra. Do đó, chúng ta cần hiểu trong điều kiện, hoàn cảnh nào dễ bị say nắng, say nóng để phòng tránh và xử lý khi có người bị nạn.

Cơ thể chống nóng như thế nào?

Để chống nóng, con người có khả năng điều hòa thân nhiệt (tức nhiệt độ thân thể) ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Thân nhiệt được điều hòa trên nguyên tắc lượng nhiệt sinh ra trong cơ thể bằng lượng nhiệt tỏa ra khỏi cơ thể cùng trong khoảng một thời gian. Nhờ vậy, quá trình sinh nhiệt xảy ra liên tục nhưng thân nhiệt không tăng lên. Nhiệt năng tỏa khỏi cơ thể bằng hai cách: truyền nhiệt và bay hơi nước - quan trọng nhất là tỏa nhiệt theo bài tiết mồ hôi. Nhưng mồ hôi chỉ giúp tỏa nhiệt khi bay hơi trên da, mà lượng mồ hôi có thể bay hơi được lại phụ thuộc vào độ ẩm của không khí và tốc độ gió. Thân nhiệt hằng định thì các phản ứng sinh học diễn ra trong cơ thể mới hằng định, quá trình sống mới bình thường. Hoạt động điều hòa thân nhiệt được thực hiện trên cơ sở của một trung tâm điều nhiệt nằm ở vùng dưới đồi. Một tổn thương của trung tâm này, cùng với mọi biến đổi quá lớn hoặc quá nhanh của nhiệt độ môi trường đều dẫn tới những rối loạn thân nhiệt.

Làm việc dưới trời nắng nóng cần có phương tiện chống nóng

Trong môi trường nắng, nóng, những kích thích đó gây ra hiệu ứng phản xạ điều nhiệt, làm giảm quá trình sinh nhiệt và tăng quá trình tỏa nhiệt, qua đó mà ngăn cản tăng thân nhiệt. Mạch máu dưới da giãn nở khiến cho máu đến da tăng lên làm tăng nhiệt của da dễ dàng cho việc truyền nhiệt ra môi trường; mặt khác làm dễ dàng cho hiện tượng thấm nước qua da và nhất là tăng bài tiết mồ hôi, tăng phương thức tỏa nhiệt do bay hơi nước. Tuy nhiên, khả năng cơ thể chịu đựng nắng nóng của thời tiết không phải chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ mà cả độ ẩm của không khí. Chẳng hạn như ngưỡng nhiệt độ có thể gây nguy hiểm do nóng là 31 độ C đối với độ ẩm không khí 100%, nhưng ngưỡng đó được đẩy lên tới 38 độ C khi độ ẩm không khí chỉ có 40%.

Biểu hiện khi say nắng, say nóng

Một đặc điểm chung, say nắng và say nóng đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới quá trình tăng đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng, có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh… Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian, mà có những biểu hiện từ nhẹ (tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…), đến nặng, thậm chí rất nặng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Say nóng: là một hiện tượng do tăng thân nhiệt, xảy ra khi sự hấp thu nhiệt với tốc độ nhanh hơn sự tỏa nhiệt từ cơ thể ra môi trường, khiến cho nhiệt độ cơ thể vượt quá nhiệt độ bình thường. Khi cơ chế chống nóng bị rối loạn, do đứng lâu trong nắng, hoặc trong môi trường nóng khiến cho trung tâm này bị tê liệt sau khi bị kích thích quá mạnh, thân nhiệt sẽ tăng lên, trong khi các phản ứng chống nóng lại không có. Say nóng có thể xảy ra khi làm việc nặng nhọc ở thời tiết nắng nóng, hoặc làm việc ở nơi nóng bức không có gió (trong toa xe, hầm lò …) và không đủ nước uống. Nông dân làm việc ở những cánh đồng trũng nước đã bị mặt trời hun nóng. Khi đó, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm thân nhiệt: Mạch máu ngoại vi giãn nở để máu dồn nhiều tới da nhằm thải được nhiều nhiệt. Tăng tiết mồ hôi, tăng bay hơi mồ hôi để hạ nhiệt. Nếu mọi nỗ lực của cơ thể mà vẫn không giảm được sức nóng do môi trường tác động, trong cơ thể sẽ diễn ra những biến đổi sinh hóa trầm trọng gây nguy hiểm.

Về triệu chứng, lúc đầu nạn nhân thường vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, mặt đỏ dừ, cảm giác nghẹt thở, có khi có rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn. Sau đó nạn nhân chóng mặt hoa mắt, mặt tái nhợt, da lạnh và ẩm, mạch đập nhanh và yếu, đôi khi bị ngất, chuột rút (vọp bẻ), sốt cao 40 - 41 độ C, nếu nặng có thể trụy tim mạch, li bì, mê sảng.

Say nắng: Đó là một thể của say nóng, gần giống như say nóng, nhưng nặng hơn có thể nguy hiểm tới tính mạng. Nó thường xảy ra khi lao động, hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác động liên tục của ánh nắng gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Như vậy, say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ, tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Say nắng thường xuất hiện vào giữa trưa khi ánh nắng mặt trời gay gắt có nhiều tia tử ngoại, còn say nóng thì hay xảy ra vào buổi xế chiều có nhiều tia hồng ngoại. Say nóng là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng nổi với hoàn cảnh thời tiết xung quanh; còn say nắng, bản thân trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động, bị kích thích mạnh vì tia nắng chiếu thẳng vào đầu, cổ, gáy.

Về triệu chứng, nạn nhân say nắng da thường đỏ rất nóng và khô, ngay cả trong hõm nách cũng không có mồ hôi. Bệnh nặng ngay từ đầu, nạn nhân sốt rất cao 40 - 42 độ C, khó thở, tim đập nhanh, kèm theo nhiều dấu hiệu thần kinh như vật vã, co giật, li bì hoặc hôn mê.

Xử trí

Khi gặp nạn nhân bị say nắng, say nóng, cần khẩn trương tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức:

- Mau chóng tiến hành ngay giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Cấp tốc chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo. Quạt mát cho người bị nạn - nếu có 2 - 3 người cùng quạt mạnh càng tốt. Dùng khăn tẩm nước mát lạnh hoặc nước đá lau chườm khắp người, nhất là ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ để làm hạ thân nhiệt. Phải liên tục thay khăn, nhúng lại vào nước mát lạnh. Hoặc cũng có thể phun nước lạnh vào người nạn nhân, nhưng chú ý tránh phun vào mũi, miệng.

- Cho uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải: Uống nước trà loãng hoặc nước lọc có pha đường muối (tỉ lệ 8g đường/1g muối), tốt nhất là uống nước oresol.

- Trong trường hợp nặng (nạn nhân không uống được, rối loạn ý thức các mức độ, hôn mê…) thì phải khẩn trương chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân. Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và chất điện giải, cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Nếu sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật sẽ được dùng thuốc chống co giật…

Phòng tránh say nắng, say nóng

Để phòng ngừa, không làm việc quá lâu ngoài trời nắng, hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò … Không ở nơi nóng bức quá lâu, khi phải hoạt động liên tục từ 45 đến 60 phút thì phải nghỉ giải lao 10 - 15 phút. Nếu làm việc ở môi trường nhiệt độ cao phải có quần áo chuyên dụng. Khi lao động ngoài trời nắng cần phải đội nón hoặc mũ rộng vành. Không để da, nhất là đầu, mặt, cổ gáy trực diện tiếp xúc lâu với ánh nắng. Tránh làm việc quá sức ở ngoài trời nắng, nếu phải thường xuyên làm việc ngoài nắng thì cứ sau một khoảng thời gian lại vào chỗ râm mát nghỉ giải lao. Lao động nơi nắng, nóng mất rất nhiều mồ hôi, cần phải uống nhiều nước có pha muối, tốt nhất là oresol để bù nước và chất điện giải cho cơ thể. Đối với trẻ em, người cao tuổi, người bị bệnh lâu ngày, người uống rượu… không nên phơi nắng, nóng lâu.

BS. Vũ Hướng Văn

 


Ý kiến của bạn