Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, khoa vừa tiếp nhận hai ca bệnh bị biến chứng tổn thương não nặng do say nắng. Các bác sĩ cảnh báo người dân cần hết sức chú ý khi ra ngoài trời lúc nhiệt độ cao để tránh bị say nắng.
ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, BN Lê Ngọc H. (nam, 47 tuổi, quê ở Phú Yên) được chuyển lên cấp cứu ở BV Bạch Mai ngày 30/5/2015. Trước đó, BN chưa khám, phát hiện hay điều trị bệnh gì đặc biệt. Khoảng gần một tháng nay, BN đi gặt lúa thuê tại Ninh Bình, mỗi ngày nhóm gặt phơi người dưới cái nắng gắt khoảng 4 – 6 giờ (nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 39 độ C). Khoảng 15 giờ ngày 30/5/2015 (lúc nắng gắt nhất), khi đang đứng đóng gói bao thóc ngoài đồng, BN đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê. BN được đưa vào BVĐK tỉnh Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu (GCS 5 điểm).
Tại đây, BN được xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch. Sau đó, BN được chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không thấy tổn thương, chưa chọc dịch não tủy. Sau 12 giờ cấp cứu, tình trạng toàn thân ổn định nhưng ý thức không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên khoa cấp cứu BV Bạch Mai.
Hiện tại, sau 10 giờ điều trị tại khoa cấp cứu, ý thức BN có cải thiện hơn (GCS lên được 10 điểm), mạch 80 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg, nhiệt độ 37 độ C, vẫn thở oxy qua ống nội khí quản.
BN H. bị biến chứng tổn thương não do say nắng đang được điều trị tại khoa cấp cứu, BV Bạch Mai. Ảnh: LQC
Trước đó, khoảng 11 giờ trưa ngày 30/5/2015, bà Tạ Thị Vân H. (88 tuổi, sống ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong khi đang đi chợ thì đột ngột xuất hiện mất ý thức, được người dân xung quanh sơ cứu và gọi cấp cứu 115 đưa vào khoa cấp cứu BV Hữu Nghị Việt Xô. Tại đây, BN hôn mê (GCS 8 điểm), co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 40 độ C, mạch nhanh 150 lần/phút, huyết áp 180/100 mmHg, đường máu mao mạch 14,1 mmol/l.
BN có tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa khớp. Ngay lập tức BN đã được các y bác sĩ tại khoa cấp cứu cho thở oxy, dùng thuốc chống co giật, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau vài giờ thì tình trạng lâm sàng của BN ổn định hơn, không co giật nữa, ý thức có cải thiện (GCS 12 điểm), sốt có giảm (39 độ C), mạch chậm xuống (130 lần/phút), huyết áp giảm hơn (130/80 mmHg), chụp CT sọ não cho kết quả bình thường. Đến sáng 31/5, BN tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn định.
Tránh say nắng cách nào?
Qua hai trường hợp này, ThS.BS Lương Quốc Chính cho biết, biến chứng của say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) rất nặng nề và có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là đối với các biến chứng não. Do đó, dự phòng say nắng rất cần thiết khi bạn phải đi ra ngoài nắng. ThS. Chính khuyến cáo, mọi người nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, và đội một chiếc mũ rộng vành. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF > 30. Uống nhiều nước để tránh mất nước. Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích sử dụng/bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao (trong các đợt nóng).
Thực hiện các biện pháp dự phòng bổ sung khi tập luyện hoặc đi bộ ngoài trời. Khuyến cáo chung là uống 710 ml nước 2 giờ trước khi tập luyện, và cân nhắc bổ sung 240 ml nước hoặc đồ uống thể thao ngay trước khi tập luyện. Trong khi tập luyện, bạn cần uống 240 ml nước mỗi 20 phút, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát.
Thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, hoặc vào buổi sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.
Cẩn thận với các họat động ngoài trời lúc nắng nóng. Ảnh minh họa.
ThS. BS Chính khuyến cáo, nếu gặp một người bị sốc nhiệt cần:
- Đưa người bệnh vào nơi râm mát hoặc nơi có điều hoà nhiệt độ.
- Gọi cấp cứu.
- Làm mát cơ thể BN bằng cách phủ khăn mát hay vẩy nước mát lên người họ.
- Bật quạt thổi trực tiếp vào người bệnh.
- Cho họ uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn và cafein khác nếu họ có thể uống được.
"Những triệu chứng khác có thể gặp trên BN sốc nhiệt:
- Nhịp tim nhanh.
- Thở nhanh và nông.
- Tăng hoặc hạ huyết áp.
- Ngừng ra mồ hôi.
- Cáu gắt, lú lẫn hoặc mất ý thức.
- Cảm thấy hoa mắt, choáng váng.
- Đau đầu.
- Nôn.
- Ngất, đây thường là triệu chứng khởi đầu ở người lớn tuổi" - ThS.BS Lương Quốc Chính cho biết.
D.Hải