Cứ đau xương khớp là nắn, bóp
Bệnh nhân nam (20 tuổi - Nam Định) vào Bệnh viện Việt Đức với cổ tay sưng tấy và gần như mất hết biên độ vận động khớp. Được biết, bệnh nhân bị tai nạn trật khớp cổ tay nhưng đã “bó lá” theo lời mách bảo. Tuy nhiên, gần 1 tháng sau, tay đau không khỏi mà cứ sưng to, không thể xoay được. Tại Bệnh viện Việt Đức, sau chụp và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy trật phức tạp 2 xương cẳng tay cả ở 2 tay. Lúc này, tổn thương đã quá muộn và có dấu hiệu liền xương. Vì vậy, để “sửa chữa” rất vất vả.
Một trường hợp khác nặng nề hơn, bệnh nhân nam 25 tuổi, chỉ đau cột sống ngực nhẹ nhàng đã tìm đến cơ sở mát-xa, đấm bóp. Trong quá trình mát-xa, đấm bóp, bệnh nhân đau nhưng nhân viên vẫn tiếp tục đấm bóp bởi ở đây cho rằng “đau mới khỏi bệnh”... Nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, hai chân bệnh nhân đã không cử động được. Bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Việt Đức với hy vọng cứu được đôi chân. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy toàn bộ vùng cột sống - ngực cậu bị bầm dập, một số khớp sườn - cột sống tổn thương và nặng nề nhất đó chính là khối máu tụ rất lớn đang chèn ép tủy ngực của cậu. Đó chính là nguyên nhân làm bệnh nhân bị liệt hoàn toàn hai chân kèm đại tiểu tiện không tự chủ.
Bệnh nhân nữ hơn 50 tuổi (Hà Nam) có bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đau mỏi nhiều nên đã đi giác hơi, nắn bóp. Tuy nhiên, sau khi về nhà được khoảng 6 tiếng thì xuất hiện tê bì chân phải tăng dần kèm theo cảm giác tức nặng chân. Sau hơn 1 tiếng, chân phải của chị không thể nhúc nhích được và dần lan sang chân còn lại. Cuối cùng, từ vùng ngang ngực xuống đến hết hai chân chị mất hoàn toàn khả năng vận động và cảm giác, hai tay tê bì và yếu. Chị được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Việt Đức. Qua thăm khám, cho chụp cộng hưởng từ cấp cứu để tìm kiếm nguyên nhân, kết quả cho thấy chị có một khối máu tụ rất to đang chèn ép nặng cột sống cổ, đó chính là nguyên nhân gây liệt 2 chân của chị. Ngay lập tức, chị được đưa vào mổ cấp cứu.
Bệnh nhân 20 tuổi bị trật khớp cổ tay đi bó lá khiến cổ tay sưng to, không xoay được.
Sẩy một ly, đi... bệnh viện
BS. Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức) cho biết, hiện nay vẫn còn rất nhiều bệnh nhân sau tai nạn bị gãy xương - trật khớp đã đi bó lá, xoa bóp ngay mà chưa qua thăm khám cũng như chụp chiếu kiểm tra, nắn trật. Điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm nếu tình trạng xương gãy di lệch, chèn ép mạch máu - thần kinh hoặc tổn thương có rách da chảy máu. Khi ấy những nguy cơ như nhiễm trùng, hoại tử chi, di lệch cứng khớp và mất chức năng chi thể... là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chưa kể đến việc không phải thầy lang nào cũng nắm được cấu trúc giải phẫu cũng như biết cách thăm khám loại trừ tổn thương chèn mạch máu - thần kinh sau tai nạn. Nếu sau tai nạn bệnh nhân không chụp Xquang kiểm tra thì không thể biết tình trạng xương gãy, khớp trật như thế nào để mà sửa chữa, nắn. Thêm nữa, khi bó lá mà không phẫu thuật hoặc bất động bằng bột, nẹp thì nguy cơ di lệch thứ phát (do bó lá không có cấu trúc vững vàng) là rất cao.
Một số trường hợp bó lá một thời gian da bệnh nhân đã bị phỏng rộp hoại tử, khớp bị sưng tấy nhiễm trùng, Xquang kiểm tra xương bị tiêu và loãng rất nhanh... để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Lưu ý, khi đang thực hiện xoa bóp, bấm huyệt... hãy cẩn thận với những động tác xoay - nắn - giật - nhổ đột ngột từ những nhân viên xoa bóp. Vì chính những động tác đó có thể vô tình làm thoát vị cấp, vỡ mạch máu..., thậm chí gây liệt cấp tính.
Lời khuyên của thầy thuốc
BS. Trần Quốc Khánh khuyên, sau tai nạn xương khớp, tốt nhất bệnh nhân nên vào viện thăm khám tại các phòng khám chuyên khoa để được siêu âm chụp chiếu, đánh giá thương tổn trước khi đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
Bó lá chỉ nên thực hiện sau khi đã đảm bảo rằng không có tổn thương nào phức tạp - nguy hiểm sau tai nạn. Nếu cần phải xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, nên tìm đến những trung tâm chính thống và được đào tạo bài bản tại những viện y học cổ truyền - trung tâm phục hồi chức năng có giấy phép hoạt động chính thức của Bộ Y tế.
Bất cứ lúc nào: trong, sau tác động, mát-xa, châm cứu - tiêm chọc... vào cột sống mà thấy tê bì tay, chân tăng dần hoặc yếu tăng dần thì cần vào ngay cơ sở y tế có khả năng chụp cộng hưởng từ kiểm tra cột sống xem có bị thoát vị - máu tụ chèn ép cấp tính hay không, để tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai. Trong những tình huống này, thời gian là vàng. Đôi khi chỉ chậm ít phút có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, nguy hiểm tính mạng.