Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ leo thang căng thẳng giữa hai nước sau khi nhà chức trách Saudi xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr dòng Shiite, người đấu tranh đòi quyền lợi cho thiểu số tôn giáo ở miền Đông Vương quốc Saudi Arabia. Ngoài giáo sĩ Nimr al-Nimr, còn có 46 bị cáo khách bị xử tử với cáo buộc tiếp tay các hoạt động khủng bố.
Biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran, Iran ngày 3/1
Theo AFP, ngày 4/1, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng việc Saudi Arabia quyết định cắt đứt quan hệ với Tehran sau vụ tấn công Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Vương quốc Hồi giáo dòng Sunni này ở Tehran và Mashhad sẽ không làm lãng quên “sai lầm lớn” của Riyadh khi xử tử Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr.
Theo hãng tin IRNA, Thứ trưởng Abdollahian nói: “Bằng cách quyết định cắt đứt các quan hệ (ngoại giao), Saudi Arabia không thể khiến thế giới quên được sai lầm lớn của họ là xử tử một giáo sỹ.”
Ngày 3/1, tại Pakistan, hàng nghìn người Hồi giáo đã biểu tình hoà bình để phản đối vụ hành quyết giáo sỹ al-Nimr. Tại Iran, một đám đông người Iran đã tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran. Người biểu tình đập phá đồ đạc, dự định phóng hỏa tòa nhà nhưng bị cảnh sát ngăn chặn. Đám cháy sau đó đã được dập tắt.
Tại thành phố Tây Nam Quetta, 1.000 người xuống đường kêu gọi chính phủ nước này cân nhắc lại quan hệ lâu dài với Riyadh.
Trong khi đó, tại thành phố miền Đông Lahore, khoảng 1.500 người biểu tình, gọi vụ xử tử giáo sỹ Nimr là hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn, trong khi những người biểu tình tại Karachi hô khẩu hiệu phản đối Hoàng gia Saudi Arabia.
Còn tại thành phố Srinagar, thành phố chính của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, hàng trăm người Shi'ite đã đụng độ với cảnh sát để phản đối quyết định của Saudi Arabia.