Saudi Arabia tung bằng chứng Iran đứng sau vụ tấn công cơ sở dầu mỏ
Bộ Quốc phòng Saudi Arabia vừa tổ chức một cuộc họp báo công bố mảnh vỡ của các máy bay không người lái và tên lửa được cho là đã sử dụng trong các vụ tấn công vào 2 cơ sở lọc dầu của nước này hôm 14/9 vừa qua, đồng thời khẳng định đây là bằng chứng "không thể chối cãi" cho thấy Iran đứng sau vụ tấn công.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, ông Turki al-Malki cho biết, dù vẫn chưa thể xác định chính xác địa điểm tên lửa khai hỏa nhưng loại vũ khí được sử dụng “đã chứng minh rằng đòn tấn công không thể xuất phát từ Yemen” . Những tên lửa hành trình không phát nổ mà phía Saudi Arabia thu thập được tại hiện trường là tên lửa tấn công mặt đất có gắn động cơ phản lực hay máy bay không người lái Delta Wing của Iran. Theo Saudi Arabia, những mảnh vỡ được đưa ra tại buổi họp báo đã “phơi bày thủ phạm” đứng đằng sau – là Iran.
Bằng chứng tố cáo Iran đứng sau các vụ tấn công cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia
Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cho biết, 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa hành trình được sử dụng trong các vụ tấn công xuất phát từ hướng Bắc khiến họ loại trừ Yemen là nơi xuất phát của các tên lửa dù trước đó phong trào Houthi ở Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc. Theo lý giải của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, Iran nằm ở phía Đông Bắc Saudi Arabia trong khi Yemen giáp với Đông Nam Saudi Arabia.
Tổng thống Iran Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng Mỹ vẫn theo đuổi chính sách “gây áp lực tối đa” lên Iran. Chính Mỹ và các đồng minh ở Vùng Vịnh đang gây ra các cuộc xung đột trong khu vực trong đó có cả cuộc chiến tranh ở Yemen.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, sẽ mời các chuyên gia quốc tế, trong đó sẽ có các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, tới điều tra vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy ở thành phố Abqaiq và Khurais , cách biên giới với Yemen chỉ 500 dặm. Nếu các tên lửa hành trình được xác nhận là phóng đi từ lãnh thổ Iran, nó sẽ đánh dấu một mức độ căng thẳng mới trong khu vực. Điều này cũng cho thấy rằng Iran không chỉ thừa tiềm lực quân sự mà họ còn không ngại đối đầu với bất cứ đối thủ nào, Saudi Arabia hay Mỹ.
Vụ tấn công được ví như vụ khủng bố 11/9 đối với Saudi Arabia và cũng là vụ tấn công chưa từng có vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương một nửa sản lượng dầu thô của Saudi Arabia và gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới, đã đẩy giá dầu thế giới lên cao.
Bản đồ khu vực xảy ra các vụ tấn công hôm 14/9 làm dậy sóng Trung Đông
Liệu có xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran?
Đây là câu hỏi mà không chỉ truyền thông mà cả các nước trong khu vực Trung Đông đều rất quan tâm. Hai ngày sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, các quan chức quân sự Mỹ đã trình lên Tổng thống một bản kế hoạch đáp trả Iran – thủ phạm của vụ tấn công để bảo vệ đồng minh Saudi Arabia. Theo các nguồn tin quân sự, đề xuất này đã bị bác bỏ, nhưng cũng đã dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu trực diện có thể xảy ra.
Tuy nhiên, kịch bản này ít có khả năng bởi để Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh, quyết định của Tổng thống cần có sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Hiện Mỹ không có hiệp ước an ninh chung với Saudi Arabia, nên không bắt buộc phải bảo vệ Riyadh khi nước này bị tấn công.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không muốn tiến hành thêm một cuộc chiến dự kiến sẽ “tốn kém” nhiều tiền của với Iran. Ông bị ràng buộc bởi lời cam kết sẽ không đưa nước Mỹ vào bất kỳ một cuộc xung đột mới nào. Mặc dù cho rằng, hành động vừa qua của Iran là “hành động chiến tranh”, nhưng động thái mà Người đứng đầu nước Mỹ hồi đáp cho cuộc tấn công hôm 14/9 vừa qua chỉ là gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Đáp lại, Iran cũng cảnh báo sẽ trả đũa nếu như bị Mỹ hay Saudi Arabia tấn công.
Chuyên gia phân tích chính trị Henry Rome cho rằng, với “nước cờ” này, Iran chỉ muốn nâng cao vị thế trên bàn đàm phán trong tương lai với Mỹ, họ muốn gây sức ép ngược lại với Washington, buộc Mỹ phải dè chừng hơn trước khi ra các đòn trừng phạt mới.
Nếu bất cứ cuộc chiến tranh nào xảy ra, như cuộc chiến giữa Mỹ Iran hay cuộc chiến tranh mà Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen chống lại Houthi “vượt biên giới” đều trở thành một “thảm họa” và gây bất ổn cho khu vực Trung Đông .