Chiều ngày 16/11, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết Sở GTVT đang triển khai nhiều biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố.
Theo ông Hải, tình trạng xe khách kinh doanh vận tải hành khách theo loại hình hợp đồng, du lịch đón, trả khách sai quy định, hoạt động như tuyến cố định (thường gọi là "xe dù, bến cóc") đã và đang diễn ra trên cả nước.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn tình trạng này diễn biến càng phức tạp gây mất trật tự, an toàn giao thông và không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.
Để xử lý tình trạng này, Thành ủy và UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố và UBND các quận, huyện thực hiện quyết liệt và thường xuyên trong công tác lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách.
Theo đó, Sở GTVT đảm bảo về hạ tầng giao thông, biển báo giao thông, phân luồng giao thông như hạn chế xe giường nằm lưu thông từ 6 giờ - 22 giờ hàng ngày; xử lý qua thiết bị giám sát hành trình theo quy định; công tác kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ.
Đồng thời, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận huyện cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách trên địa bàn thuộc thẩm quyến quản lý; xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn.
Ông Đỗ Ngọc Hải cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đã triển khai như rà soát tổ chức giao thông; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, tuần tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh các đơn vị vận tải; tăng cường công tác tuyên truyền; kiến nghị cơ quan chức năng đề xuất hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và công cụ, ứng dụng KHCN xử lý vi phạm...
Bên cạnh đó, cần tính chuyên nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật của đơn vị vận tải, tài xế và sự ủng hộ của người dân trong việc không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với các phương tiện do tỉnh, thành phố khác quản lý, ngoài việc xử lý trên đường khi tham gia giao thông của các lực lượng chức năng, Sở Giao thông vận tải có công văn gửi Sở GTVT các tỉnh đề nghị phối hợp tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vị phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.