Vụ ngộ độc tập thể làm 7 người tử vong ở huyện Phong Thổ, Lai Châu hôm 13/2/2017 vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày sau Tết Đinh Dậu. Đây là lần đầu tiên sau 13 năm chia tách tỉnh, Lai Châu xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm lớn với số người tử vong nhiều như vậy. Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn BSCKII. Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu về vụ ngộ độc này.
BSCKII. Nguyễn Văn Đối.
PV: Thưa ông, trong vụ ngộ độc thực phẩm vừa qua, ngành y tế đã cấp cứu cho 31 người, trong đó có 20 người cấp cứu ở huyện và tỉnh, 11 người điều trị ở cơ sở, 7 người tử vong. Nguyên nhân ban đầu được nghi là ngộ độc thực phẩm. Điều đáng nói ở vụ ngộ độc lần này là các ca tử vong diễn biến rất nhanh, về góc độ chuyên môn, ông đánh giá như thế nào?
BSCKII. Nguyễn Văn Đối: Diễn biến vụ việc có thể tóm tắt như sau, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lẻng (60 tuổi, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) ăn cơm trưa tại nhà cùng vợ và con trai, một mình ông có uống 5-6 chén nhỏ rượu tại nhà, đến khoảng 17 giờ ông Lẻng thấy mệt, vào giường nằm, khoảng 18 giờ ăn cơm tối, ông kêu mệt không ăn được chỉ uống 1 chén rượu rồi đi nằm, sau đó kêu hoa mắt, tê chân tay, có biểu hiện buồn nôn, đau đầu và tử vong lúc khoảng 20 giờ cùng ngày. Sau khi ông Lẻng qua đời, gia đình tổ chức đám tang và dân bản đến chia buồn ăn cơm, uống rượu, ăn kẹo không rõ nguồn gốc vào các ngày 11/2 đến 13/2. Ngày 13/2, nhiều người cùng có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, những người vào trạm y tế xã khám có đồng tử giãn to. Có 7 người tử vong. Các nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu, tử vong tại nhà hoặc khi đang ở nương, người gần nhất tử vong lúc 22 giờ đêm 13/2 khi đang trên đường đi cấp cứu. Hiện nay, 10 bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Lai Châu và 3 bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Lào Cai đang cấp cứu, sức khỏe tốt dần lên. Chúng tôi đang chỉ đạo toàn ngành y tế tập trung cứu chữa người bệnh, giám sát chặt, phổ biến các bản kể cả các xã lân cận phát hiện người có uống rượu ở đám tang với dấu hiệu chóng mặt, nhìn mờ, buồn nôn là phải đến ngay trạm y tế để khám và xử trí kịp thời, động viên người nhà yên tâm chữa trị và làm tốt công tác dân vận tại địa bàn.
Về góc độ chuyên môn đánh giá ban đầu, qua kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân gửi về của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai và mẫu rượu gửi về Trung tâm Kiểm nghiệm ATVSTP TW, chúng tôi có thể nhận định ban đầu các nạn nhân bị ngộ độc do metanol có trong rượu. Để cứu chữa cho các bệnh nhân ở cả tuyến tỉnh và huyện, chúng tôi đang được đoàn chuyên gia của BV Bạch Mai lên hỗ trợ. Còn xác định chính thức nguyên nhân thì Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế và cơ quan chức năng đang trực tiếp làm việc tại cơ sở sẽ có kết luận. Về phía tỉnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh, ngành y tế đang chỉ đạo y tế huyện Phong Thổ giám sát chặt địa bàn và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không để người dân tiếp tục sử dụng rượu và thực phẩm đã dùng trong những ngày qua; niêm phong toàn bộ rượu có trên địa bàn để điều tra. Được biết, phía công an tỉnh cũng đã vào cuộc điều tra rất tích cực.
Các bác sĩ BV Bạch Mai đã có mặt kịp thời hỗ trợ thầy thuốc Lai Châu điều trị bệnh nhân vụ ngộ độc rượu tập thể (ảnh chụp chiều 16/2/2017). Ảnh: Thế Anh
PV: Tại Lai Châu chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào mà nhiều người tử vong cùng lúc và nhanh như vậy, qua vụ việc này, ngành y tế sẽ rút ra được kinh nghiệm về công tác truyền thông với người dân ở vùng sâu, vùng xa như thế nào?
BSCKII. Nguyễn Văn Đối: Ngành y tế sẽ tham mưu với UBND tỉnh rà soát lại hoạt động của Ban Chỉ đạo vì chất lượng ATVSTP, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Hoạt động về liên ngành sẽ phải chặt chẽ và giám sát có trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm dễ gây ra ngộ độc. Duy trì tốt việc cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất kinh doanh về ATVSTP, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện tốt công tác quản lý nguồn thực phẩm mang yếu tố tự nhiên. Tiếp tục đa dạng hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong công tác đảm bảo ATVSTP...
PV: Ông vừa nói về công tác tuyên truyền cho người dân, chúng ta cũng không tiếc tiền cho truyền thông để thay đổi hành vi của người dân nhưng các vụ ngộ độc vẫn cứ diễn ra…
BSCKII. Nguyễn Văn Đối: Đúng là chúng ta đã không tiếc công sức, vật chất cho công tác truyền thông về ATVSTP nhưng truyền thông sẽ cần phải thay đổi. Đối với địa bàn các tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc ít người như Lai Châu, tới đây chúng tôi sẽ phải đa dạng hóa các loại tuyên truyền, tập trung vào già làng, trưởng bản, những người có uy tín tại địa phương để họ vận động, thuyết phục người dân không uống rượu nhiều, không uống rượu không có nguồn gốc, chỉ sử dụng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương phải tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm các hành vi mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
* Cục ATTP Bộ Y tế vừa công bố, theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15/2/2017 của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, 3 mẫu rượu do Chi cục ATVSTP tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 100 độ, 556.000 mg/l cồn 100 độ và 475.000 mg/l cồn 100 độ. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 100 độ. Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol của 3 mẫu rượu này vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.
* Trong một diễn biến khác, sáng 15/2, tại xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đã xảy ra vụ nghi bị ngộ độc thực phẩm. Được biết, sau khi đến ăn cỗ cưới về từ trưa ngày 13/2, đến sáng 15/2, cả 37 người đều có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị. 41 người đã phải vào BVĐK huyện Hoàng Su Phì để theo dõi sức khỏe. Theo lãnh đạo BVĐK huyện Hoàng Su Phì, qua thăm khám và theo dõi hiện sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định, không có trường hợp nào nguy kịch. Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì cũng đã kịp thời đến thăm, động viên các bệnh nhân, đồng thời chỉ đạo bệnh viện tập trung điều trị, giao cho Trung tâm y tế huyện lấy mẫu thức ăn gửi đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân.