Hà Nội

Sau vụ Mỹ tấn công Syria: Căng thẳng liệu có thể hạ nhiệt?

09-04-2017 16:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - 4 ngày sau khi Mỹ bất ngờ tấn công Syria bằng tên lửa đạn đạo, tình hình Syria và trục quan hệ Mỹ - Nga - phương Tây vẫn ở trong trạng thái hết sức căng thẳng.

4 ngày sau khi Mỹ bất ngờ tấn công Syria bằng tên lửa đạn đạo, tình hình Syria và trục quan hệ Mỹ - Nga - phương Tây vẫn ở trong trạng thái hết sức căng thẳng. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên có thể tìm thấy một giải pháp chung nhằm giải quyết mâu thuẫn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 8/4 cho rằng cần phải thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra các cáo buộc liên quan tới vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hôm 4/4. Tuyên bố của ông Rouhani được đưa ra một ngày sau khi Mỹ bắn hàng chục quả tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu tại căn cứ không quân Shayrat thuộc tỉnh Homs của Syria, nhằm trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun, thuộc tỉnh Idlib của Syria sáng 4/4 khiến gần 100 người thiệt mạng.

Diễn biến vụ Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình diễn ra hết sức dồn dập và kịch tính. Quyết định tấn công được đưa ra chưa đầy 72 giờ đồng hồ kể từ khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 4/4  mà Mỹ và các đồng minh quy trách nhiệm cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đáng chú ý, tin tức về việc Tổng thống Trump cân nhắc hành động quân sự chỉ được tiết lộ vài giờ trước khi các tên lửa được tàu khu trục Mỹ phóng đi vào sáng 7/4.

“Vấn đề ngăn chặn, răn đe việc phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Việc Syria sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, vi phạm các cam kết đối với công ước cấm vũ khí hóa học và lờ đi lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an LHQ là không phải bàn cãi. Nhiều năm qua, các nỗ lực thay đổi thái độ của Syria đều thất bại. Tôi kêu gọi tất cả các nước hãy cùng chúng tôi tìm cách kết thúc thảm sát và đổ máu ở Syria, đồng thời chấm dứt khủng bố dưới mọi hình thức” - ông Donald Trump nhấn mạnh.

Sau vụ Mỹ tấn công Syria: Căng thẳng liệu có thể hạ nhiệt?Một quả tên lửa Tomahawk được phóng từ căn cứ quân sự Mỹ ở biển Địa Trung Hải nhằm vào Syria hôm 7/4.

4 ngày sau khi Mỹ tấn công Syria, giới phân tích cho rằng việc triển khai lực lượng quân sự chống lại Tổng thống Bashar al-Assad đánh dấu bước đảo ngược lớn về chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Syria vì trong thời gian qua, Mỹ chủ yếu tập trung vào cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại phía Bắc Syria. Truyền thông khu vực nhận định, vụ tấn công vừa rồi sẽ làm thay đổi các bước đi của các bên liên quan trong cuộc chiến.

Dù hành động tấn công quân sự của Mỹ là vì mục đích gì thì những hành động như vậy sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Không chỉ gây căng thẳng thêm với Nga mà còn khiến các nhóm vũ trang khác ở khu vực có thể đưa ra các phản ứng tiêu cực.

Bất đồng bao trùm

Sau vụ tân công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 100 thường dân thiệt mạng hôm 4/4 và vụ tấn công bất ngờ của Mỹ vào Syria hôm 7/4, bất đồng tiếp tục bao trùm các bên.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Abul Gheit nhận định, tình trạng Syria đang trở nên nguy hiểm sau hành động của Mỹ. Ông Abul Gheit khẳng định, AL phản đối âm mưu chính trị hóa vấn đề người Syria bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Trước đó, khoảng 100-150 người tập trung trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để phản đối việc Mỹ tấn công quân sự Syria. Còn Bộ Ngoại giao Triều Tiên coi vụ oanh kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria là “một hành động xâm lược không thể tha thứ”.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên Đài Truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Rouhani tuyên bố “hành động xâm lược của Mỹ đối với căn cứ không quân Shayrat sẽ làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan, khủng bố trong khu vực, tình trạng vô luật pháp, bất ổn toàn cầu và phải bị lên án”.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về tình hình Syria, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng, việc Mỹ tấn công quân đội Syria chỉ có lợi cho các tổ chức cực đoan, tạo ra “thêm những mối đe dọa đối với an ninh khu vực và toàn cầu”.

Khoảng cách giữa Nga - Mỹ - phương Tây đã nới rộng thêm sau khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết ông đã quyết định hủy chuyến thăm Nga, dự kiến vào ngày 10/4, sau những diễn biến mới đây về tình hình Syria. Ngoại trưởng Anh lý giải việc “Nga tiếp tục bảo vệ chính quyền Damascus” sau “một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường” khiến tình hình thêm căng thẳng. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hành động hủy chuyến thăm Nga cho thấy các đối tác phương Tây của Nga dường như đang sống trong một thế giới riêng nào đó và luôn tìm cách chĩa các mũi dùi vào Mosvka.

Viết trên Twitter ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi hành động tấn công căn cứ quân sự Syria của quân đội Mỹ. Tờ The Wasington Post hôm 9/4 dẫn lời một tướng lĩnh quân đội Mỹ cho biết “Chúng tôi chưa biết liệu đây có phải là những nỗ lực cuối cùng nhằm vào Syria hay không. Chúng tôi không thể dự báo hay nói trước gì được”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết Mỹ sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Syria. “Chúng tôi sẽ công bố các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Syria như một phần nỗ lực nhằm chấm dứt hành động trên”. Như vậy, với những gì đang diễn ra, cuộc chiến giữa các bên tại Syria vẫn chưa thể hạ nhiệt, thậm chí còn có thể có thêm những diễn biến bất ngờ những ngày tới.


N.Minh
Ý kiến của bạn