Sau vụ Gateway, Hà Nội sẽ công bố danh sách 11 trường quốc tế

13-08-2019 09:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Hà Nội chính thức có 11 trường có danh “quốc tế” theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Trả lời báo chí, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP về Điều lệ trường thì toàn thành phố chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường khác là mang yếu tố nước ngoài thì không thể gọi là trường quốc tế được.

Trong thời gian tới, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố danh tính các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, cha mẹ học sinh biết được và có cơ sở chọn lựa.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, để tên gọi của các trường trở nên minh bạch thì tên gọi phải đúng như quy định. Luật đã quy định, tên trường gồm những yếu tố nào thì cứ làm đúng như thế, không có chuyện đăng kí một kiểu rồi gọi một kiểu nhằm đánh lừa phụ huynh.

Với các trường trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nhưng cứ đưa thêm vào “mạo danh” quốc tế để thu hút học sinh là sai. Do đó, các đơn vị này bỏ các từ mạo danh để tránh gây hiểu nhầm.

Trước đó, theo ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Quận Cầu Giấy cho biết tại buổi họp báo về vụ việc liên quan đến trường Gateway: "Không có trường nào có tên "Quốc tế". Đối với trường Gateway trong quyết định thành lập cũng không có chữ Quốc tế. Đây có thể là một cách để các trường tư marketing tên tuổi.

"Theo điều luật là không có trường Quốc tế, chỉ có trường có yếu tố nước ngoài như đầu tư nước ngoài, có người nước ngoài, chứ không có trường tên là trường quốc tế. Họ nói quốc tế chắc là để quảng cáo, thu hút học sinh" - ông Ngọc Anh nói.

Trong quyết định thành lập trường Gateway không có chữ "quốc tế".

Chia sẻ thêm về vụ việc của trường Gateway, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội thừa nhận vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Gateway là sự việc đau lòng, lần đầu xảy ra trên địa bàn Thành phố.

Qua sự việc này, Sở GDĐT yêu cầu các phòng GDĐT, các đơn vị trường học cần rà soát, chấn chỉnh ngay công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc tương tự trên địa bàn Thành phố.

Năm học 2018-2019, toàn thành phố đã thành lập mới và xây mới 77 trường học; cải tạo và nâng cấp hơn 400 trường học, trong đó xây mới gần 2.500 phòng học. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 tăng 0,8% so với năm 2018. Việc quan tâm đầu tư cải thiện cơ sở vật chất còn làm tăng tỷ lệ trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội ăn bán trú lên 99%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 0,5%. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ trẻ 6 tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt hơn 90%.

Hà Nội là đơn vị dẫn đầu trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 134 giải. Tại các kỳ thi cấp quốc tế, Hà Nội cũng đã ghi dấu ấn khi giành 197 giải và huy chương, trong đó, có 1 học sinh lần đầu tiên đem vinh dự về cho Việt Nam khi giành điểm tuyệt đối ở phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị các ngành liên quan trong năm học này giải quyết dứt điểm, không để tồn tại tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm, giảm tình trạng học trái tuyến, khuyến khích các trường chất lượng cao đề xuất cơ chế tự chủ.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng mong muốn đội ngũ cán bộ, thầy và trò ở tất cả các trường nhìn thẳng vào những tồn tại trong hệ thống các nhà trường, học tập các mô hình hay, từ đó, xây dựng môi trường giáo dục Thủ đô có chất lượng ngày càng tốt hơn.


T.H
Ý kiến của bạn