Hà Nội

Sau vụ bé Ngân - Tăng giám sát để giảm bạo hành

20-09-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến trẻ em liên tiếp xảy ra khiến dư luận phẫn nộ khi các em, những em bé chưa có đủ khả năng tự bảo vệ mình, bị chính người thân hành hạ dã man, tàn bạo hơn cả kẻ thù.

Những vụ việc trên và hệ quả nghiêm trọng của nó là lời cảnh báo cho chính quyền địa phương cũng như gia đình, đoàn thể xã hội trong việc đảm bảo quyền trẻ em.

Sau 2 ngày được điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, bị chính cha dượng và mẹ ruột hành hạ đến chấn thương sọ não) hiện sức khỏe đã dần ổn định. Tuy nhiên, dư luận và những người thăm bệnh thì chưa hết bức xúc, phẫn nộ vì hành vi của hai con người thú tính được gọi là cha mẹ ấy. Sự việc này một lần nữa cho thấy sự thờ ở của gia đình, trách nhiệm của cộng đồng trong việc đảm bảo quyền trẻ em trong thời gian gần đây. Câu cửa miệng "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", "thương người như thể thương thân" ở đâu đó phải chăng đã bị phai nhạt?

Bé Ngân bị bố mẹ hành hạ dã man

Bé Ngân bị bố mẹ hành hạ dã man. Nguồn ảnh: Báo Bình Dương

Xã hội cũng đã phải chứng kiến quá nhiều vụ việc trẻ em trong gia đình bị xâm hại. Vụ cháu bé Châu Văn Phúc Thiên (13 tuổi, ở tỉnh Ninh Thuận) bị chính cha mẹ ruột của mình dùng dây xích trói, buộc vào cửa, đánh đập dã man khiến dư luận hết sức bất bình. Rồi hàng loạt các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em... Tất cả đều khiến dư luận không thể không nhói đau bởi sự ngược đãi, hành hạ đối với con trẻ, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về đạo lý, về trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ và của toàn xã hội.

Câu chuyện của bé Ngân ở đây cho thấy vai trò của cộng đồng trong việc phát hiện và ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em. Bởi như trường hợp của em bị chính bố dượng và mẹ ruột đối xử tàn tệ, còn những người thân khác thì ở xa. Theo ông Nguyễn Văn An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, điều khiến chúng ta không thể không trở trăn, suy nghĩ là Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được ban hành gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống. Để ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em thì cần phải xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng với hệ thống phòng ngừa, kích hoạt sớm, can thiệp sớm là rất quan trọng. Một trong những mắt xích quan trọng đó là mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Vì thế, cần phải kiện toàn được mạng lưới này thì các em mới được bảo vệ hiệu quả.

Ở Việt Nam hiện có không ít trẻ trong độ tuổi từ 2 - 14 bị cha mẹ, người chăm sóc và những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Chính vì vậy mà trong năm 2014, Việt Nam đã khởi động chiến dịch chăm sóc và chấm dứt bạo lực với trẻ em mà mục tiêu lớn nhất là nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người lên tiếng và hành động. Bởi chỉ khi chúng ta lên tiếng mà không còn che giấu thì bạo lực với trẻ em mới có thể được ngăn ngừa. 

Trọng An

 


Ý kiến của bạn