Sau tuổi 40 có nên khám sàng lọc ung thư vú định kỳ?

07-08-2023 10:30 | Y học 360

SKĐS - ThS. BS Nguyễn Cảnh Chương – GĐ Trung tâm đào tạo Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học, BV Phụ sản Hà Nội sẽ tư vấn, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc: Nên khám sàng lọc định kỳ không? Các dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư vú… Mời độc giả đón đọc.

6 dấu hiệu cần biết về ung thư vú giai đoạn đầu6 dấu hiệu cần biết về ung thư vú giai đoạn đầu

SKĐS - Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh rất cao, thậm chí có thể khỏi hẳn và không tái phát

Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng. Chị em trên 40 tuổi cần chủ động tầm soát ung thư vú khi chưa có triệu chứng, để phát hiện u lành, ác.

Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới, chiếm tỷ lệ từ 7 - 10% trong tổng số các loại ung thư ở nữ. Ung thư vú cũng có tỷ lệ di truyền nhất định, thường gặp ở độ tuổi 40 đến 60 tuổi. Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh hoặc mới mãn kinh, tỷ lệ phát bệnh sẽ cao hơn.

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

Sưng hoặc có khối u ở nách, có khối u gần nách, vú mà sờ, nắn thấy cứng, không đau, vùng da ở vú dày hơn, bất thường so với bên vú còn lại... là những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.

Hình dạng vú, kích thước thay đổi. Ngực to hơn, trễ thấp hơn, có hình dạng khác thường so với bên vú còn lại.

Núm vú thay đổi thường dẹt hơn, tụt vào trong, tiết dịch hoặc máu. Da xung quanh núm vú có thể có vảy, viêm…

Ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, hoặc sần sùi như vỏ cam ở ngực.

Ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau… thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú.

Đầu vú tiết dịch hoặc máu. Đi kèm đó là chị em bỗng cảm thấy ngực đau tức, khi tới gần ngày kinh nguyệt thì cảm giác đau ngực tăng lên, giống như bị sưng vù lên.

Xuất hiện hạch ở nách là giai đoạn đầu tiên phát triển bệnh ung thư vú.

Dấu hiệu sớm phát hiện ung thư vú và ý nghĩa của việc khám sàng lọc - Ảnh 2.

Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Ảnh minh hoạ.

Phân biệt u lành, u ác ở vú

Các khối đó đa phần là lành tính, nhưng không vì thế mà chị em chủ quan và cần có kiến thức để phát hiện u lành tính và ung thư vú.

U sợi tuyến

Thiếu nữ ở tuổi đôi mươi, nắn ngực thấy có vài cục tròn, láng, cỡ hạt lạc, hạt nhãn, hạt mít, đụng tới thì di chuyển chỗ khác, đó là loại u lành sợi tuyến. Nó có thể hơi đau hoặc lớn hơn khi tới chu kỳ kinh nguyệt thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại. Ở độ tuổi sinh đẻ, tuyến sữa rất phát triển, khiến chị em cho cảm giác có cục u, nhất là lúc sắp có kinh, ngực căng lên thấy có nhiều cục lộm cộm. Đây không phải một bệnh, cũng không phải tổn thương, chỉ cần mổ lấy trọn u là hết bệnh.

U diệp thể

Là loại bệnh thường thấy ở tuổi 15 - 16 đến khoảng 30 tuổi. Trong vú có một khối bằng hạt mít hoặc trứng cút, giống như u sợi tuyến, để lâu một hai năm chẳng sao, nhưng rồi bỗng lớn nhanh vùn vụt. Da vú căng mỏng, có nhiều lằn xanh vắt qua vắt lại ở da vú, cả vú to như trái cam sành. Thật ra đây là một loại u lành, được gọi là u diệp thể lành tính.

Nang vú (bọc dịch)

Nang vú thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên, khoảng tuổi 40 - 50. Các nang hoặc bọc (kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài mm đến vài cm, hoặc to hơn) thường chứa chất dịch lỏng được dân gian gọi là cục hạch, nhưng trong chuyên ngành sản phụ khoa thì gọi là dị sản sợi - nang, bệnh Reclus, dị sản nang.Thực chất nang chỉ là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra.

Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể thấy được.

Dấu hiệu sớm nhất phát hiện ung thư vú và ý nghĩa của việc khám sàng lọc - Ảnh 3.

Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng.

Áp xe vú và lao vú

Thường gặp ở các bà mẹ trẻ sinh con và cho con bú lần đầu, khoảng hai, ba tuần lễ sau khi sinh. Triệu chứng nhiễm trùng rất rõ: Người nóng sốt, vú căng to, da vú đỏ lên rất đau nhức. Không cho con bú cũng có thể bị áp xe, thường ở vị trí quanh quầng vú. Bệnh lao vú tuy hiếm nhưng cần được chẩn đoán chính xác thì điều trị mới có hiệu quả.

Bọc sữa

Đang thời kỳ cho con bú, nhiều bà mẹ rất băn khoăn khi sờ ngực thấy có một khối tròn, mềm như trái nho hoặc lớn hơn, bóp thì nhão nhão. Có khi mới thấy vài ngày, có khi chỉ một vài tháng, không thấy đau và có thể lớn thêm sau những cơn căng sữa. Đó là một bọc sữa: Sữa ứ lại do một ống sữa bị tắc. Khi dùng kim (loại khá lớn) chọc vào khối u rút ra được chất sữa hơi sệt như kem.

Ý nghĩa sàng lọc ung thư vú

Với nhiều lý do, việc không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm nên nhiều chị em tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Sàng lọc ung thư vú là việc sử dụng các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các bất thường tại tuyến vú ở giai đoạn chưa có triệu chứng lâm sàng. Mục đích của sàng lọc ung thư vú là tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm và giảm tử vong do ung thư vú.

Có hai hình thức sàng lọc ung thư vú phổ biến là sàng lọc toàn dân và sàng lọc dựa trên cá thể. Người ta có thể chia đối tượng sàng lọc ung thư vú thành hai nhóm nguy cơ là nhóm nguy cơ trung bình và nhóm tăng nguy cơ. Ngoài ra, những phụ nữ đã được xác định có mang gen BRCA đột biến sẽ được xếp vào nhóm có yếu tố di truyền, cần có một chương trình sàng lọc, dự phòng và tư vấn đặc biệt.

Thông qua việc tự nhận thức những thay đổi bất thường xuất hiện ở vú, hãy thực hiện 5 bước tự khám vú đơn giản dưới đây.

photo-1691321033410

5 bước tự khám đơn giản để phát hiện ung thư vú.

Bước 1:

Cởi áo ra, ngồi thẳng lưng hoặc đứng trước gương với tư thế xuôi hai tay và quan sát tuyến vú 2 bên. Tìm xem những dấu hiệu bất thường như: Thay đổi kích thước, hình dạng và sự đối xứng của 2 vú, da vú dúm dó, lõm xuống, nổi sẩn.

Bước 2:

Hai cánh tay dang rộng, bàn tay để sau đầu. Tìm các dấu hiệu bất thường của vú như bước đầu tiên.

Bước 3:

Nằm ngửa trên giường, đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải khám ngực trái. Dùng 3 ngón tay xòe thẳng, vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa xoay tròn tìm khối u hoặc mảng dày bất thường. Bắt đầu từ trong núm vú di chuyển theo hình xoắn ốc.

Bước 4:

Khám nách: Di chuyển dần lên vùng nách tới hõm nách tìm u cục, hạch bất thường.

Bước 5:

Kiểm tra núm vú: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu núm vú xem có dịch bất thường chảy ra hay không. Khám tương tự với vú còn lại.



Xem thêm video được quan tâm

Ung thư vú phát hiện điều trị sớm, 99% bệnh nhân sống trên 5 năm


ThS. BS. Nguyễn Cảnh Chương
Ý kiến của bạn