Sau tổn thương tủy sống - Phương pháp giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng

08-10-2021 14:16 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sau tổn thương tủy sống, bệnh nhân bị suy giảm thể chất nặng nề và gặp phải các vấn đề về tâm lý. Có tới 40-75% bệnh nhân bị đau mạn tính với các cấp độ khác nhau. Do đó, kiểm soát cơn đau và hỗ trợ tâm lý là một trong các công việc quan trọng giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng.

Dưới đây là thông tin của PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Khoa Phẫu thuật Cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về công tác điều trị giúp bệnh nhân sau tổn thương tủy sống kiểm soát cơn đau, sớm hòa nhập cộng đồng.

Sau tổn thương tủy sống - Giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Khoa Phẫu thuật Cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Mức độ đau sau tổn thương tủy sống

Sau tổn thương tủy sống, một phần lớn bệnh nhân sẽ thấy đau ở nhiều mức độ khác nhau. 

Tình trạng đau có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt ở một số người bệnh.

 Vì vậy, công tác kiểm soát đau tức là công tác giảm triệu chứng đau, khắc phục căn nguyên gây đau cho người bệnh bằng các phương pháp như: nội khoa, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý, ngoại khoa, hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Đau dai dẳng là một trong những biến chứng thường gặp nhất và ảnh hưởng nặng nề nhất do tổn thương tủy sống gây nên. 

Các yếu tố tâm lý và tình trạng đau sẽ dẫn tới bệnh nhân có thể bị suy kiệt, rối loạn giấc ngủ, thương tật tâm lý… Mặt khác, các yếu tố nặng nề tâm lý càng khiến bệnh nhân tập trung vào tình trạng đau của bản thân.

Việc này tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn khiến bệnh nhân không thoát ra khỏi các yếu tố nặng nề tâm lý càng khiến bệnh nhân tập trung vào tình trạng đau của bản thân.


Tỷ lệ người bị đau mạn tính sau tổn thương tủy sống là khoảng 40-75%, trong đó 25-60% số bệnh nhân cảm thấy đau trung bình đến nặng.

Vị trí đau phổ biến nhất là lưng (61%), hông và mông (61%), chi dưới (58%). Riêng với bệnh nhân sau tổn thương tủy cổ, đau chi trên gặp ở 76% bệnh nhân

Một số dạng đau sau tổn thương tủy sống

Đau thụ thể (thụ thể cơ xương/thụ thể tạng): là tình trạng đau do các thương tổn trực tiếp kích thích đầu mút dây thần kinh (thụ thể).

Đau thụ thể cơ xương điển hình xảy ra do gãy xương, loãng xương, co cứng cơ, hay đau vùng mổ xương sau phẫu thuật.

Đau thụ thể tạng biểu hiện như đau vùng bàng quang, đường ruột, biểu hiện đau âm ỉ hay chuột rút, có thể đi kèm nôn.

Đau thần kinh xuất hiện do kích ứng, chèn ép, tổn thương mô thần kinh (tủy sống, rễ thần kinh), biểu hiện tê bì, dị cảm lan theo đường dẫn truyền thần kinh.

Sau tổn thương tủy sống - Giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng - Ảnh 3.

Tỷ lệ người bị đau mạn tính sau tổn thương tủy sống là khoảng 40-75%, trong đó 25-60% số bệnh nhân cảm thấy đau trung bình đến nặng.

Một số phương pháp kiểm soát đau sau tổn thương tủy sống

 * Điều trị nội khoa giảm đau

Dùng thuốc là phương pháp điều trị nội khoa hàng đầu để kiểm soát đau cho hầu hết các bệnh lý. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tổn thương tủy sống sẽ gặp phải khó khăn khi điều trị. Do bệnh nhân tổn thương tủy sống bị tổn thương nằm ở mô thần kinh, chịu trách nhiệm dẫn truyền và chi phối các cơn đau nên không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng điều trị nội khoa.

Bên cạnh các thuốc giảm đau (pregabalin, opioids), bệnh nhân tổn thương tủy sống có thể được kê các thuốc hạn chế tác dụng phụ (ví dụ benzodiazepine đi kèm ketamine tránh gây ảo giác).

* Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu

Sử dụng vật lý trị liệu với bệnh nhân liệt tủy để duy trì, tăng cơ lực, biên độ vận động, thăng bằng, phối hợp vận động. Hoạt động trị liệu tập bằng cách thực hiện các hoạt động sinh hoạt đơn giản và phức tạp.

Ngoài ra, có một số phương pháp phục hồi chức năng giúp tập luyện về mặt cảm giác, giúp giảm rối loạn cảm giác, giảm tình trạng đau toàn thể đối với người sau tổn thương tủy sống.

Kiểm soát đau bằng biện pháp xoa bóp, châm cứu, cũng là phương pháp hiện nay đang được áp dụng. Tuy nhiên, các phương pháp trị liệu này mang tính bổ trợ, ít khi được sử dụng độc lập với các bệnh nhân đau nặng.

* Tiếp cận tâm thần, tâm lý

Tình trạng đau và gánh nặng tâm lý thường đi đôi với nhau ở các bệnh nhân liệt tủy, do đó hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân là một trong các mũi nhọn quan trọng trong kiểm soát đau.

Mục tiêu chính của điều trị tâm thần - tâm lý đối với bệnh nhân sau tổn thương tủy sống nhìn chung liên quan đến cải thiện chất lượng cuộc sống và sớm tái hòa nhập xã hội.

Việc điều trị tâm thần - tâm lý đòi hỏi ít nhiều tập luyện các kỹ năng thích nghi với đau và trị liệu nhận thức hành vi, cũng như thích nghi về kỹ năng xã hội, tình dục, giao tiếp.

Một số phương pháp điều trị tâm thần - tâm lý được sử dụng đối với bệnh nhân sau tổn thương tủy sống như: tư vấn tâm lý, liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, trị liệu hành vi và giao tiếp…

* Điều trị xâm lấn

Chỉ định điều trị xâm lấn thường được đưa ra khi bệnh nhân sau chấn thương tủy sống bị đau quá nặng, không đáp ứng với các phương thức điều trị nội khoa, hồi phục chức năng hay can thiệp tâm lý.

Điều trị xâm lấn gồm một số phương pháp như: cắt rễ thần kinh, cắt lọc tủy sống, các hình thức tiêm phong bế, kích thích não sâu và kích thích tủy sống.

Điều trị xâm lấn thường giúp giảm đau trong thời gian dài, có thể triệt tiêu căn nguyên đau trong một số trường hợp, tuy nhiên cũng đi kèm các biến chứng như mất máu, tổn thương mô lành, nhiễm khuẩn.

Sau tổn thương tủy sống - Giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng - Ảnh 5.

Chỉ định điều trị xâm lấn thường được đưa ra khi bệnh nhân sau chấn thương tủy sống bị đau quá nặng.

Một số vấn đề về tâm lý của bệnh nhân sau tổn thương tủy sống thường gặp phải

Mục tiêu cao nhất của phục hồi chức năng tâm lý - xã hội sau tổn thương tủy sống là đem lại cho bệnh nhân những kỹ năng cần thiết và sự tự tin do thương tổn gây nên.

Các rối loạn về tâm thần, tâm lý - xã hội có thể được điều trị hoặc giảm nhẹ. Muốn cải thiện tâm lý và thể chất cho bệnh nhân có hiệu quả, cần động viên bệnh nhân tham gia các hoạt động hay điều trị hợp lý.

* Trầm cảm

Trong một nghiên cứu bởi Migliorini và cộng sự tiến hành trên một cộng đồng bệnh nhân tổn thương tủy sống cho thấy, 37% số bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm, 30% lo âu,  25% stress, và 8.4% rối loạn stress hậu sang chấn (PTSD).

Mặc dù đa số bệnh nhân sau tổn thương tủy sống có thể hài lòng với cuộc sống. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân phải chịu gánh nặng về tâm lý do hậu quả của bệnh (đau đớn, tự ti, giảm sút số lượng và chất lượng mối quan hệ, bị thay đổi trong cách đối xử, áp lực tuân thủ điều trị, khó khăn tài chính) khiến họ khó thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Theo dõi và xử trí trầm cảm cũng như mọi rối loạn tâm thần (stress, lo âu, rối loạn cảm xúc) đều được coi là việc thiết yếu khi điều trị bệnh nhân liệt tủy, giúp bệnh nhân thêm lạc quan, hòa nhập cộng đồng tốt, tăng cường chất lượng cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa

* Lạm dụng rượu và chất gây nghiện

Lạm dụng rượu và chất gây nghiện ảnh hưởng đến bệnh nhân cả khi trước và sau tổn thương tủy sống.  Bên cạnh việc gây suy yếu chức năng gan, thần kinh, việc lạm dụng chất gây nghiệm còn khiến bệnh nhân khó kiểm soát bản thân, tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc, loạn thần, các biến chứng tim mạch, nhiễm khuẩn tiết niệu, loét do tì đè...

Bên cạnh những ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi và điều chỉnh, những bệnh nhân có vấn đề về rượu cũng hay gặp những triệu chứng đau nặng hơn, ảnh hưởng nhiều hơn sau tổn thương.

Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn trên thế giới, khi tiến hành phân tích hồi cứu 3041 bệnh nhân sau tổn thương tủy sống cho thấy: 14% các bệnh nhân tham gia được xếp loại lạm dụng rượu báo cáo đau nặng hơn đáng kể và sự hài lòng cuộc sống cũng thấp hơn.

Sau tổn thương tủy sống - Giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng - Ảnh 7.

Lạm dụng rượu và nghiện chất gây suy yếu chức năng gan, thần kinh, khó kiểm soát bản thân, tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc, loạn thần...

* Chấn thương sọ não

Bệnh nhân chấn thương cột sống liệt tủy thường vào viện trong tình trạng đa chấn thương, do ngã cao, tai nạn giao thông, do đó việc đi kèm chấn thương sọ não rất dễ xảy ra.

Chấn thương sọ não có nguy cơ gây tử vong cao, để lại nhiều hệ quả, di chứng về nhận thức, tâm thần kinh, trí nhớ, kỹ năng, làm nặng thêm tình trạng thương tật cho người bệnh, tăng gánh nặng chăm sóc.

Bệnh nhân chấn thương cột sống liệt tủy kèm theo chấn thương sọ não sẽ bị giảm nhận thức, làm suy yếu khả năng học hỏi kỹ năng và tự lập cho bệnh nhân. Do đó trong quá trình điều trị luôn chú trọng giảm thiểu hệ quả do chấn thương sọ não gây nên.

Sau tổn thương tủy sống - Giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng - Ảnh 8.

Bệnh nhân được chỉ định trị liệu nhận thức hành vi trong giai đoạn nhập viện sẽ giảm nguy cơ tái vào viện trong vòng 2 năm sau thương tổn và ít phải dùng thuốc kê đơn.

Vai trò của trị liệu hành vi đối với bệnh nhân sau tổn thương tủy sống

Trị liệu nhận thức hành vi được ứng dụng để khắc phục những nhận định tiêu cực về thương tật, hỗ trợ bệnh nhân trong giai đoạn bệnh cấp tính, hay tiếp tục chăm sóc những bệnh nhân có tiền sử về rối loạn tâm lý.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa
Một nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân được chỉ định trị liệu nhận thức hành vi trong giai đoạn nhập viện sẽ giảm nguy cơ tái vào viện trong vòng 2 năm sau thương tổn và ít phải dùng thuốc kê đơn. Đồng thời khả năng thích nghi với tình trạng chấn thương tủy sống hơn so với nhóm người bệnh được chăm sóc như bình thường.

Bên cạnh những lợi ích về tâm lý, các dữ liệu định tính thu thập từ bệnh nhân tham gia chương trình  trị liệu nhận thức hành vi đã chỉ ra tầm quan trọng của thảo luận nhóm đối với bệnh nhân mới mắc và lợi ích của việc chia sẻ thông tin với người ngoài, từ đó tái khẳng định nhu cầu cần những dịch vụ đem lại cho bệnh nhân cơ hội nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài trong giai đoạn hồi phục.

Sau tổn thương tủy sống - Giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, hòa nhập cộng đồng - Ảnh 10.

Bệnh nhân tổn thương tủy sống cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế, gia đình, người thân và cộng đồng.

Hỗ trợ của gia đình, bạn bè, xã hội giúp bệnh nhân tổn thương tủy sống hòa nhập cuộc sống

Cũng như mọi bệnh nhân khác, bệnh nhân tổn thương tủy sống cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế, gia đình, người thân và cộng đồng. Sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tâm thần, về xã hội, tài chính, pháp lý, đều đem lại những cải thiện to lớn cho bệnh nhân liệt tủy.

Sau khi bệnh nhân xuất viện, gia đình sẽ đóng vai trò chăm sóc bệnh nhân, cũng như theo dõi diễn biến của người bệnh để kịp thời thông báo cho bác sĩ. Đây là công tác quan trọng hàng đầu để đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn xuất viện, giảm thiểu biến chứng và thương vong cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, gia đình, bạn bè cũng là nguồn động viên tinh thần cho người bệnh, hỗ trợ bệnh nhân về mặt tâm lý, hoạt động giải trí, lao động, giúp phục hồi chức năng cũng như giảm nguy cơ trầm cảm, lo âu, hay lạm dụng các chất gây nghiện.

Các tổ chức phúc lợi xã hội, các đơn vị đời sống ở nơi làm việc của người bệnh hay của chính quyền địa phương đều có vai trò trong hỗ trợ về tài chính, an sinh xã hội, chính sách cho những bệnh nhân có di chứng thương tật.

Tại các khoa phòng chuyên về cột sống, tủy sống, các nhân viên y tế có thể giới thiệu bệnh nhân đến với các hội đồng đẳng hay mạng lưới bệnh nhân cũ, tạo nên một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ bệnh nhân mới, giúp họ vượt qua nhiều rào cản tâm lý - xã hội, sớm tái hòa nhập cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mang khối u tuỷ sống 'hiểm” lại tưởng đau lưng vì thoái hóaMang khối u tuỷ sống "hiểm” lại tưởng đau lưng vì thoái hóa

SKĐS - Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, BV K Trung ương vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân người Lào với khối u tủy sống ngực. Đây là ca bệnh phức tạp, chỉ cần sơ xảy có thể tổn thương cấu trúc tủy sống và để lại hậu quả nặng nề với người bệnh như liệt hoàn toàn hai chân, bài tiết không tự chủ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tin COVID hôm nay ngày 23-9- Có 9.472 ca mắc COVID-19, giảm 2.060 ca so với ngày hôm qua

Thanh Loan
Ý kiến của bạn