Sáu tháng ở Boston với Trần Văn Thủy

24-01-2012 14:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trần Văn Thủy tuổi Canh Thìn, tôi tuổi Nhâm Thìn. Tôi đã ngưỡng mộ anh và nồng nhiệt đấu tranh bảo vệ anh từ khi xem Hà Nội trong mắt ai, Phản bội.

Trần Văn Thủy tuổi Canh Thìn, tôi tuổi Nhâm Thìn. Tôi đã ngưỡng mộ anh và nồng nhiệt đấu tranh bảo vệ anh từ khi xem Hà Nội trong mắt ai, Phản bội. Nhưng khi cùng hoạt động trong BCH Hội Điện ảnh khóa 3, hai con rồng lại như đang bay về hai hướng. Mãi đến khi chúng tôi cùng sang Hoa Kỳ năm 2002 để tham dự chương trình nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam hải ngoại do Trung tâm Willyam Joiner thuộc Trường đại học Massachusetts tổ chức, hai con rồng mới quấn quýt bên nhau cùng bay về một hướng trong suốt thời gian sáu tháng ở Boston. Những ngày sống cùng anh ở Mỹ đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều cao quý trong tâm hồn và nhân cách của anh.

“Cậu đánh máy” kiêm “trợ lý rửa bát”

Khi ở Boston cùng tôi, Trần Văn Thủy mới “bập bẹ” về vi tính, thường phải nhờ tôi gõ email. Anh nhận rửa bát để tôi rảnh tay giúp anh viết thư, đánh máy. Thỉnh thoảng, tôi vẫn phụ cho anh lúc rửa bát cho vui. Tôi nói đùa “Em làm trợ lý rửa bát cho anh!”. Anh em sống với nhau rất vui, nhưng trong mỗi việc nhỏ, tôi đều học được ở anh một điều gì đó. Chẳng hạn, khi trả lời email, hầu như thư nào Trần Văn Thủy cũng đọc cho tôi gõ câu đầu tiên là: “Tôi đã đọc thư anh/chị”. Tôi bảo anh: “Cần gì câu ấy hả anh? Mình reply thế này tất nhiên là đã đọc rồi!”.
 
Trần Văn Thủy nói: “Không, em cứ gõ đúng như thế cho anh!”. Tôi đã làm đúng những điều anh yêu cầu, không gây ra bất cứ rắc rối nào cho thủ trưởng, và thủ trưởng Trần Văn Thủy cũng chưa một lần nào đổ lỗi cho “cậu đánh máy”, ngay cả khi những viết lách của anh gặp nhiều sóng gió! Suy nghĩ mãi về cái câu có vẻ thừa mà anh quyết giữ, tôi bỗng bừng hiểu ra thái độ sống cẩn trọng, tôn trọng người khác của anh.
 
Gõ những bức thư anh viết cho con của một đồng nghiệp khuyên nhủ, dặn dò cặn kẽ nhiều điều, tôi thấy ở anh một tình người sâu sắc, quan tâm chu đáo đến người khác như một người anh, người bạn, người bác, người cha. Cứ thế, vai trò “cậu đánh máy” đã giúp tôi “thám hiểm” sâu vào tâm hồn và cuộc sống của anh, đến khi gõ thư anh dặn con: “Gửi sang cho bố một cái chun quần và mấy cái kim băng”  tôi bỗng thấy anh thật bình dị và gần gũi.

Trần Văn Thủy có những cơ duyên kỳ lạ. Anh tình cờ nhận được thư của một người bạn thời thơ ấu đã bặt tin nhau hơn nửa thế kỷ nay, hiện đang sống ở Canada. Anh đọc cho tôi nghe lá thư dài mười mấy trang rất cảm động, chứa chất bao nỗi niềm của một thân phận tha hương. Chính lá thư này đã gợi ý cho tôi ý tưởng khuyên anh phát huy thế mạnh của một nhà làm phim tài liệu để tìm hiểu, đối thoại, mổ xẻ về cuộc đời những người Việt hải ngoại và đưa cả những bức thư như thế vào chuyên luận báo cáo kết quả khảo cứu cho Willyam Joner. Sau đó, với đẳng cấp của một đạo diễn phim tài liệu, anh đã hào hứng thực hiện các cuộc phỏng vấn một cách chân tình, sắc sảo để làm thành tập sách Nếu đi hết biển.

Sáu tháng sống chung với Trần Văn Thủy trong một ngôi nhà với bao cuộc gặp gỡ, tâm tình và tranh luận về nhiều vấn đề, tôi đã vỡ lẽ ra bao điều, nhận chân nhiều giá trị. Song, cái đọng lại trong tâm trí lại chính là tình người, là những chi tiết ứng xử trong sinh hoạt của anh, sự mẫu mực của một người anh lớn. Có những ngày tuyết rơi ngập cả nhà, anh đang yếu vẫn cố cầm xẻng xúc tuyết cùng chúng tôi, đến nỗi bị sụn cột sống, phải nằm mất mấy ngày.

Tôi vốn lười thể thao. Ấy vậy mà sang Boston, Trần Văn Thủy kéo tôi đi bộ thường xuyên. Chiều chiều, hai anh em đi vòng quanh mấy khu phố, vừa đi vừa trò chuyện. Những lúc anh Thủy đi vắng, tôi vẫn theo thói quen đi bộ một mình. Tôi viết thư về khoe, vợ tôi mừng lắm, gửi lời cám ơn anh. Với tôi, việc chăm tập thể dục thể thao là biểu hiện của một cảm hứng sống mới mà anh Trần Văn Thủy đã truyền cho, như một con cá chép bơi lờ đờ lười biếng trong ao bỗng tự nhiên phấn khích tung tăng muốn vượt vũ môn băng đến vùng biển mới!

Khi từ Boston trở về nước năm 2003, tôi bỏ quên một thùng đồ đã đóng gói trong đó có lá cờ Mỹ xinh xinh mà tôi đã mua ở Cambridge. Tôi thầm tiếc mãi, nhưng không nói với ai. Không ngờ, năm sau Trần Văn Thủy quay lại Boston, khi trở về, anh đã mang cho tôi lá cờ xinh xắn ấy!

 Trần Văn Thủy (phải) và Ðỗ Minh Tuấn ở Boston.

Những ký ức của rồng

Nếu không có cơ hội sống chung với Trần Văn Thủy, chắc tôi chẳng bao giờ hiểu hết những chuyện đời đằng sau những thước phim đầy máu và nước mắt của anh. Có những ngày hai anh em ngồi nói chuyện cả buổi sáng, anh kể tôi nghe về một thời quay phim trong lửa đạn. Có khi địch càn, ba người ôm máy và phim chui xuống hầm, bị ngạt thở phải chui lên thì lại thấy một tên lính Mỹ cạo râu trước chiếc gương to, đành phải nín thở bò trườn qua chuồng bò, hố tiêu, cỏ dại. Hút chết! Rồi những ngày bị ốm, thèm rau muống, một đồng nghiệp đi công tác mấy ngày, khi về mang cho anh một mớ rau hai phần ba héo úa! Người yếu đến mức tiêm B1 vào ngất xỉu, phải ôm phim ra Bắc.
 
Trên đường đói quá, thấy con cua của đứa trẻ buộc ở cột đầu võng, đấu tranh tư tưởng mãi rồi cuối cùng quyết định ăn trộm con cua ấy nhai nghiến ngấu; phải nằm ngủ giữa đường để nếu chết có người còn biết. Đói và mệt vô cùng, nhưng lúc nào cũng phải ôm khư khư cái bọc đựng 27 cuốn phim đã quay. Nhiều khi đói quá đành tặc lưỡi ăn cả gạo rang chống ẩm trong túi đựng phim. Có lúc phải đổi quần dài lấy mật ong để ăn, mặc quần đùi áo cộc bị muỗi đốt khắp người.

Ra đến Hà Nội, ngồi thẫn thờ ở góc công viên mãi mới gọi xe xích lô. Người đạp xích lô thấy anh nhem nhuốc quá phải lật chiếu lên, không cho anh ngồi lên vì sợ bẩn. Về đến nhà, bà chị không nhận ra. Hôm sau, bố đến ôm lấy cái chân trắng bợt của anh mà khóc. Sau đó, bộ đội đến cho lên xe com-măng-ca đưa vào bệnh viện, tiếp máu và điều trị liền  ba tháng. Trong khi đó, ở nhà lại có dư luận Trần Văn Thủy quay cho hết cơ số phim để chạy khỏi chiến trường nên chắc 27 cuộn phim anh mang ra chẳng có gì đáng xem đâu! Vì thế người ta định vứt đi. May có ông tráng phim thấy tiếc giấu mọi người tráng hộ, nhưng tráng hỏng. Như trời sắp đặt, những cảnh tráng hỏng lại có một hiệu quả hình ảnh rất đặc biệt, khó mà làm lại được.

Khi xem những đoạn tráng hỏng đó trong phim Những người dân quê tôi, đạo diễn Carmen đã nói bộ phim sẽ được giải vì chính những cảnh hỏng này! Y như rằng, bộ phim Những người dân quê tôi của anh đã đoạt giải Bồ câu Bạc tại LHP Leipzig. Những câu chuyện của anh đằng sau bộ phim này đã cho tôi thấy một cách sống động thế nào là những tác phẩm làm bằng máu và nước mắt, khiến tôi biết trân trọng hơn tác phẩm của những người đồng nghiệp như anh.

Trần Văn Thủy cũng tâm sự nhiều với tôi về gia đình anh, về người bố nhân hậu từng nuôi mấy chục người cơ nhỡ trong nhà, về chuyện anh xin tiền tài trợ xây trường, xây cầu cho quê hương! Rồi anh tâm sự cả những nỗi niềm riêng, lo khi về nước, con trai đã đi sang Ba Lan, một mình anh ở cái nhà mênh mông thì buồn lắm. Anh lo cháu nội ra nước ngoài từ bé sẽ không biết tiếng Việt, rồi lo chuyện dời mộ bố mẹ ở quê hương.
 
Càng sống với Trần Văn Thủy, tôi càng thấy ở anh một người tử tế, một nhân cách trí thức, một nghệ sĩ hành động. Không giống như những nghệ sĩ con buôn tham nhũng cả tiền bạc và cả vinh quang, luôn muốn đem cả thế giới đắp cho riêng mình, Trần Văn Thủy luôn trăn trở lo toan cho quê hương, cho bạn bè, đồng nghiệp. Và mặc dù chịu bao nhiêu bất công, bị bao điều xúc phạm, anh vẫn sống đàng hoàng, tự tin và nhân hậu như một thiền sư đắc đạo, không cuống cuồng gây sự hay kiện cáo vì tác phẩm của mình bị đánh giá sai.

Nhân vật đi theo đạo diễn khắp mọi nơi

Chuyến đi của hai anh em đến Philadelphia chiếu phim cho sinh viên đại học để lại nhiều ấn tượng khó quên. Tuyết trắng phủ kín nhà cửa, xe cộ, cây cối suốt chặng đường đi, dường như con tàu đang lao trong một sa mạc tuyết. Rồi những hình ảnh dữ dội về sự kiện Thiên An Môn trong bộ phim tài liệu dài bốn giờ đồng hồ mà chúng tôi đã được xem cùng sinh viên. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là bộ phim Chuyện ở góc công viên của anh.
 
Chuyện một em bé nạn nhân chất độc da cam vẫn vượt lên những đau đớn thể chất để luyện tập chơi đàn đã khiến tôi và tất cả khán giả trong phòng giàn giụa nước mắt. Không một hình ảnh nào mang dáng dấp hàng hóa chiến tranh lạnh xuất siêu như trong phim của một số người. Sao một bộ phim làm đã lâu, hay như vậy mà đến tận khi sang đất Mỹ tôi mới có dịp xem?
 
Dường như những nhân vật của Trần Văn Thủy trên khắp thế giới này đều là những con người bình thường, nghèo đói, khổ đau nhưng tử tế và thánh thiện. Từ người nông dân xả thân chiến đấu giữ quê hương, người làm gạch nổi giận trước sự dối trá của nghệ thuật, ông giáo bán rau khuyên học trò tử tế trong mọi cảnh ngộ, người bạn đồng nghiệp lạc quan trên giường bệnh nhìn cái chết đến gần, đến anh cựu chiến binh Mỹ Mike yêu Việt Nam, ghét tiền bạc và quyền lực…
 
Tất thảy đều trần trụi hiện ra với nhân cách cao cả trước một thế giới luân phiên giữa lửa đạn chiến tranh và kim tiền lạnh giá. Có thể nói, tất cả những kiếp người mong manh cao quý trong phim Trần Văn Thủy đều trở thành những đám mây ngũ sắc lấp lánh ánh sáng của nhân cách, của tình người. Anh là con rồng bay dũng mãnh miên man giữa những đám mây của những phận người nghèo đói và cao cả.

Những nhân vật của anh dù cách nhau nửa vòng trái đất và khác nhau một trời một vực, tất thảy họ đều trở thành những người bạn của anh. Những bà xơ trong phim Người tử tế đã bước ra đời, tìm đến anh, đưa cả bao tải tiền quyên góp được giúp anh xây trường học, xây cầu cho quê hương. Mike Bohem, nhân vật trong bộ phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai đã đưa Trần Văn Thủy về làng của mình thăm ngôi trường anh học lúc ấu thơ, thăm thác nước ngày xưa mỗi khi giận bố anh vẫn đi lang thang ra đó, thăm một hồ nước cạnh rừng cây lá vàng và thảm cỏ xanh mướt, nơi Mike đã từng suýt chết vì ngã xuống hố băng…

Không phải con rồng nào cũng có cơ duyên được bay đến những chân trời lộng lẫy trong ký ức và ước mơ của bao số phận. Không phải đạo diễn nào cũng đồng cảm với nhân vật của mình và có được tình bạn sâu sắc với họ như vậy. Phải là một con người xứng đáng được chia sẻ, tin yêu. Có lẽ vì thế mà khi tiễn Trần Văn Thủy về lại Boston, Mike Bohem đã ôm lấy anh và nói: “Trước tôi chỉ biết anh như một đạo diễn. Giờ đây, tôi hiểu anh như một con người”.       

Đỗ Minh Tuấn


Ý kiến của bạn