Hà Nội

Sau Tết Nguyên đán, su hào giá rẻ như cho, chỉ 3.000 đồng/củ

04-02-2025 19:50 | Thị trường
google news

SKĐS - Theo các tiểu thương, sau Tết Nguyên đán, do thời tiết thuận lợi và nguồn cung dồi dào nên giá bán thực phẩm xanh tại các chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều bình ổn, không tăng giá.

Ngày 4/2, ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy)… cho thấy, mặc dù các tiểu thương chưa mạnh dạn nhập rau xanh các loại với số lượng lớn như trước Tết nhưng về cơ bản, các mặt hàng rau xanh rất đa dạng và giá bán bình ổn.

Tại chợ dân sinh Yên Hòa, trong những ngày đầu mở chợ, không ít tiểu thương đã bất ngờ với mức giá bán của các loại củ quả. Đơn cử như su hào có giá 10.000 đồng/3 củ; khoai tây có giá bán 17.000 đồng/kg; khoai sọ giữ nguyên giá so với thời điểm trước Tết Nguyên đán là 25.000 đồng/kg…

Sau Tết Nguyên đán, su hào giá rẻ như cho, chỉ 3.000 đồng/củ- Ảnh 1.

Tại chợ dân sinh Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), su hào có giá bán 10.000 đồng/3 củ.

Anh Nguyễn Văn Tân (tiểu thương tại chợ dân sinh Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do tâm lý sau Tết Nguyên đán, nhiều người trở lại Thủ đô làm việc sẽ mang theo các loại thực phẩm, rau xanh từ quê nhà nên hầu hết, các tiểu thương nhập rau bán lẻ với số lượng ít hơn so với thời điểm trước Tết.

Cũng theo anh Tân, giá rau xanh trong những ngày đầu xuân năm mới không thay đổi so với trước Tết. Hơn nữa, năm nay, nguồn cung rau xanh tại các vùng trồng rau như ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… rất dồi dào, đảm bảo cung cấp ổn định cho thị trường; cộng thêm thời tiết thuận lợi đối với sự phát triển của những loại rau vụ Đông như bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách… Do đó, những loại rau xanh này có giá bán rất bình ổn, không thay đổi giá so với trước Tết Nguyên đán.

Bà Đỗ Thị Thoa, tiểu thương bán rau ở chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình) chia sẻ, trước Tết, su hào có giá 10.000 đồng/củ nhưng ra Tết chỉ có giá 5.000 đồng/củ; rau cải xanh, cải cúc, rau cần đồng giá 10.000 đồng/kg; cải xoong 20.000 đồng/bó; nấm kim châm 15.000 đồng/gói; dứa 15.000 - 20.000 đồng/quả,…

Đặc biệt, giá thịt lợn giảm hơn so với trước Tết. Nếu như trước Tết sườn thăn có giá 200.000 đồng/kg thì hôm nay chỉ còn 170.000 - 180.000 đồng/kg; các loại thịt ba chỉ, vai, thăn… cũng giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng rau xanh giảm giá mặc dù sức mua tăng, các tiểu thương cho biết, thời tiết thuận lợi rau xanh được mùa nên giá rau không tăng, mặc dù dịp này sức mua đã tăng mạnh. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rau ăn lá ở các địa phương đã đến thời kỳ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm là điều đương nhiên.

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như BigC, Aeon Mall, Gigamall, Co.opmart, CircleK, Winmart… đã mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy, hải sản; rau, củ, quả tươi...

Đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội về thị trường hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua cho thấy, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại tăng 5% so với Tết 2024; một số đơn vị phân phối lớn doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% so với tổng doanh thu bán hàng; số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình 15%-20% so với cùng kỳ Tết 2024.

Mặc dù sức mua tăng nhưng giá cả hàng hóa duy trì ổn định bởi hầu hết các doanh nghiệp đã đảm bảo lượng tồn kho hợp lý sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, các chương trình giảm giá, khuyến mại... đã được các doanh nghiệp xúc tiến rộng rãi qua đó góp phần giữ giá cả hàng hóa không tăng nhiều so với ngày thường.

Những khó khăn của nghề kiếm tiền tỷ 1 năm


Khánh Dương
Ý kiến của bạn